Quảng Bình

Bài viết

Về với mẹ Suốt, lên Cổng Trời, tới Cha Lo



Hình bài viết Về với mẹ Suốt, lên Cổng Trời, tới Cha Lo

Từ TP.HCM ra Quảng Bình, chúng tôi thực hiện chuyến du hành nhân ngày Quốc khánh 2-9 tìm về vùng đất một thời nóng bỏng của chiến tranh giữ nước. Việc đầu tiên trong ngày đầu tiên của chúng tôi là tới tham quan di sản thiên nhiên thế giới ở đây là động Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hôm sau, bạn bè mời khách Sài Gòn ra bãi biển Nhật Lệ, đến với tượng đài mẹ Suốt anh hùng rồi lên đường tới hai địa danh nổi tiếng khác của tỉnh là Cổng Trời và Cha Lo. Cuộc thăm viếng để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên.

Thành phố Đồng Hới hôm nay khác hẳn với những gì mười năm về trước. Trên các đường phố chính rộng rãi, đã mọc lên những tòa nhà theo nhiều kiểu kiến trúc hiện đại chẳng thua kém TP.HCM và Hà Nội, nổi bật nhất là các khách sạn, nhà nghỉ. Mấy năm nay, cứ hè về là người Đồng Hới lại vào mùa dịch vụ du lịch. Chủ khách sạn nơi chúng tôi tạm trú nói rằng nếu chúng tôi có mặt ở đây hồi đầu tháng mà không đăng ký phòng trước thì rất dễ phải “ngủ lang”.

Cờ đỏ sao vàng tung bay tại cửa khẩu Cha Lo

Đầu ngày mới, buổi sáng cuối tháng Tám thật mát mẻ, ánh nắng mặt trời bắt đầu trải dài trên các con đường khá yên tĩnh, khác hẳn không khí thường xuyên náo nhiệt ở Sài Gòn. Nghe nói mấy ngày trước, từ 10 đến 15-8, miền Trung nắng gắt, Đồng Hới càng bị rát bởi gió Lào, trong khi hai đầu Bắc và Nam lại mưa hoài.

Bây giờ thì thời tiết ở Quảng Bình quá đẹp. Bãi biển Nhật Lệ dài, rộng đón gió biển lồng lộng thổi về. Nước biển trong, xanh ngắt. Bãi thoai thoải sâu, rất an toàn khi bơi lội, đùa giỡn với sóng. Chỉ tiếc mới đầu sáng nên không có đông người tắm biển để thấy được cả cái đẹp của thiên nhiên và của con người, nhưng dù sao thì những giây phút thư giãn ở đây thật “đáng đồng tiền, bát gạo”.

Tới chân tượng đài mẹ Suốt, các bạn Quảng Bình giúp chúng tôi nhớ lại: chỉ trong ngày 7-2-1965, Mỹ huy động 160 lượt máy bay phản lực ồ ạt tấn công Đồng Hới và các vùng lân cận. Bất chấp máy bay địch bổ nhào thả bom, phóng rocket, mẹ Nguyễn Thị Suốt vẫn dũng cảm một mình chèo đò đưa bộ đội sang sông và chuyển đạn ra tàu chiến của hải quân ta. Liên tục trong những năm sau, mẹ Suốt vẫn kiên cường chèo đò để đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua sông Nhật Lệ. Ngày 1-1-1967, mẹ được Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng. Mẹ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ vào ngày 11-10-1968.

Cổng trời là đây

Quang cảnh bên đường lên Cổng Trời

Tạm biệt mẹ Suốt, chúng tôi lên chiếc xe Land Cruiser theo con đường mòn Hồ Chí Minh tiến về hướng Cổng Trời. Thời chiến tranh chống Mỹ, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua Quảng Bình đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử oanh liệt về sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, là nơi khởi nguồn cho hai nhánh đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Hàng triệu tấn vũ khí, xăng dầu, lương thực đã được lực lượng cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong vận chuyển trên tuyến đường này vào Nam.

Nơi đó, Cổng Trời

Con đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa nay đã được trải nhựa phẳng phiu nên xe chạy êm như ru, hầu như không gặp phải ổ gà nào. Hai bên đường cây cối mọc san sát, thỉnh thoảng lại xuất hiện một con suối nước chảy róc rách. Những ruộng lúa đang lên xanh mượt. Sau đoạn đường thẳng, xe tiến vào chân núi và bắt đầu những khúc cua gắt trên con đường ngoằn ngoèo như rắn cuốn, qua hết dốc này đến dốc khác. Mất khoảng một giờ rưỡi, chúng tôi leo lên đến Cổng Trời.

Đây rồi! Cổng Trời là khu vực chênh vênh trên núi cao, có hai khối đá đồ sộ chụm đầu vào nhau, một bên tiếp với vách núi, bên kia nối với vực thẳm, phía dưới tạo thành một “cổng chào” khá rộng, cho phép xe tải, xe tăng đi qua dễ dàng. Không biết có phải nơi đây thường xuyên có mây bay ngay trên đầu và ai đến cũng có cảm tưởng là như chuẩn bị được… lên Trời nên người xưa mới chọn ra cái tên khá thần bí đó.

Cha lo, nơi rừng núi miền tây tổ quốc…

Tượng đài mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ

Từ Cổng Trời, chúng tôi tiếp tục hướng về phía biên giới Việt - Lào và chẳng mấy chốc đã thấy thấp thoáng phía trước những mái nhà ở cửa khẩu Cha Lo, nổi bật là cây cột cờ cao vút, trên ngọn có lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Ngôi nhà chính của Hải quan cửa khẩu Cha Lo được xây dựng khang trang trên khu đất khá rộng còn đang được tiếp tục cơi nới rộng hơn. Những câu hát hừng hực khí thế năm nao trong ca khúc Đêm Cha Lo của nhạc sĩ Phạm Tuyên bỗng vọng về: “Ơi Cha Lo! Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc bừng sáng lung linh một vì sao… Em có thấy góc trời biên giới như rực ánh hồng chân mây”.

Bãi biển Nhật Lệ

Cha Lo được Chính phủ quyết định xây dựng thành cửa khẩu quốc tế Việt - Lào từ năm 2002 (cách đó không xa là cửa khẩu Na Phàu của nước bạn). Hôm nay, ở đây đã có đủ diện, nước, đường truyền liên lạc qua vệ tinh. Được biết tỉnh Quảng Bình có dự án xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, đã xây dựng một cái chợ khá to nhưng chưa sầm uất bởi cả hai bên biên giới đều thưa thớt dân cư và lượng hàng hóa từ Việt Nam và Lào tới đây cũng còn quá ít ỏi. Giá như có thời gian ở lại Cha Lo để được ngồi quanh đống lửa cùng các cán bộ hải quan nơi đây sống trọn một Đêm Cha Lo!

Cá biển đây, mời các bác mua!

Để biết rõ hơn quang cảnh chợ miền núi Quảng Bình, chúng tôi rẽ vào chợ Pheo gần đó. Chợ khá đông người mua, kẻ bán. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm, quần áo và các loại nhu yếu phẩm. Các cô gái dân tộc bán hàng bẽn lẽn cười khi chúng tôi nâng máy ảnh lên chụp, trong khi đó, một cô gái có lẽ là người Kinh đi mua hàng nói nửa đùa nửa thật: “Anh đưa thẻ nhà báo ra thì tôi cho chụp, còn không là tôi báo với công an xã đó!”.

Một chị bán hàng lên từ Đồng Hới vui vẻ chào mời chúng tôi… những con cá biển ướp đá! Ai lại “chở củi về rừng”, cuối cùng chúng tôi chọn món hàng “đặc sản” hơn cả là những con sâu tằm (chưa thành nhộng, to bằng cây đũa) để đem về chiên. Món sâu tằm chiên được khen là ngon không kém gì con đuông dừa trong Nam mà giá thật mềm: chỉ 50 ngàn đồng nửa ký.

Tạm biệt Cha Lo, tạm biệt Cổng Trời, tạm biệt những nụ cười hồn nhiên của các cô gái dân tộc Chứt, chúng tôi ra về trong nỗi nhớ bao cảnh vật hùng vĩ và tình người nơi đây.

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
Phim trường tự nhiên hùng vĩ ở Quảng Bình
Phim 'Kong' vào clip quảng bá du lịch Quảng Bình
Trang web bằng tiếng Anh về du lịch Quảng Bình
Khách Tây nhận lại tài sản quên ở Quảng Bình
Đại sứ Mỹ tiếc nuối vì chưa đi hết 7 km động Thiên Đường
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Quảng Bình 1 - Quảng BìnhHình ảnh Quảng Bình 2 - Quảng BìnhHình ảnh Quảng Bình 3 - Quảng BìnhHình ảnh Quảng Bình 4 - Quảng BìnhHình ảnh Quảng Bình 5 - Quảng Bình
Xem tất cả hình ảnh...