Sơn Đông

Hình ảnh

Hình ảnh Sơn đông về đêm - Sơn ĐôngHình ảnh Một góc phố ở sơn đông - Sơn ĐôngHình ảnh Họp chợ ở sơn đông - Sơn ĐôngHình ảnh Biển Thanh Đảo - Sơn ĐôngHình ảnh Cảng Uy Haỉ - Sơn Đông
Xem tất cả hình ảnh...

Địa điểm con

Thái Sơn

Thông tin


Vị trí: Sơn Đông có tên gọi tắt là Tề, Lỗ, nằm phía đông Trung Quốc, hạ lưu sông Hoàng Hà. Sơn Đông là một trong những tỉnh ven biển chủ yếu của Trung Quốc. Địa hình phân thành hai phần: bán đảo và phần đất trong lục địa. Bán đảo cùng tên phía đông nằm giữa hai biển Hoàng Hải và Bột Hải, nhìn sang bán đảo Liêu Đông qua eo biển Bột Hải. Quần đảo Miếu Đảo nằm ở eo Bột Hải, là phân giới tự nhiên giữa Bột Hải và Hoàng Hải, tạo thành cửa ngõ trên biển quan trọng bảo vệ thủ đô Bắc Kinh. Phần đất trong lục địa từ Bắc xuống Nam giáp bốn tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, An Huy và Giang Tô. Chiều dọc dài nhất 420 km, từ Tây sang Đông rộng nhất khoảng 700 km.

Diện tích: 156.700 km2, chiếm 1,6% tổng diện tích Trung Quốc, đứng thứ 19 trong toàn quốc.

Đơn vị hành chính: Chia thành 17 thành phố khu vực gồm thủ phủ Tế Nam, các thành phố Thanh Đảo, Uy Hải, Duy Phường, Yên Đài, Đức Châu, Lâm Nghi, Tri Bác, Tế Ninh, Tân Châu, Hà Trạch, Liễu Thành, Đông Doanh, Thái An, Táo Trang, Nhật Chiếu, Lai Vu.

 

Thủ phủ Tế Nam

Dân số: 91,8 triệu người (năm 2005), gồm các thành phần dân tộc Hán, Hồi, Mãn…

Địa hình: Địa hình ở trung bộ là đồi núi với các núi Thái Sơn, Lỗ Sơn, Nghi Mông Sơn; phía đông bán đảo là vùng gò đồi thấp với Lao Sơn, Côn Luân Sơn; đồng bằng Tây Bắc là một phần thuộc đồng bằng Hoa Bắc. Diện tích vùng núi chiếm 15,5%; gò đồi thấp chiếm 13,2%; đất trũng 4,1%; hồ, ao 4,4%; đồng bằng 55% và thành phần khác chiếm 7,8%.

 

Quang cảnh núi Thái Sơn

 

Quang cảnh Lao Sơn

Hoàng Hà, Hải Hà, Hoài Hà là ba lưu vực sông chính của Sơn Đông đổ ra biển. Mật độ sông ngòi bình quân toàn tỉnh là 0,24 km/1 km2. Những sông quan trọng là Hoàng Hà, Đồ Hải Hà, Mã Giáp Hà, Nghi Hà, Thuật Hà, Đại Văn Hà, Tiểu Thanh Hà, Giao Lai Hà, Duy Hà, Đại Cô Hà, Ngũ Long Hà, Chu Triệu Tân Hà ….

Hồ ở Sơn Đông chủ yếu phân bố ở vùng trung du đồng bằng phía Tây và vùng đồi núi trung bộ với tổng diện tích 1.496,6 km2, trữ lượng nước 235,3 tỷ m3. Những hồ lớn là Vi Sơn, Chiêu Dương, Độc Sơn, Nam Dương, Đông Bình.

Đường bờ biển Sơn Đông dài 3.024,4 km, chiếm 1/6 tổng chiều dài đường bờ biển Trung Quốc, đứng thứ 2 sau Quảng Đông. Sơn Đông có hơn 20 vịnh thiên nhiên ven bờ, 296 đảo, trong đó lớn nhất là quần đảo Miếu Đảo gồm 18 đảo hợp thành với diện tích 52,5 km2.

 

Bờ biển Thanh Đảo

Khí hậu: Thuộc loại hình ôn đới gió mùa. Mùa xuân khô, gió nhiều, mùa hè nóng, nhiều mưa, mùa thu mát mẻ, mùa đông lạnh khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm 110C – 140C. Lượng mưa bình quân hàng năm 550 mm – 950 mm.

Lịch sử - văn hóa:

Sơn Đông là một trong những cái nôi của văn minh Trung Hoa. Thời nhà Hạ thế kỷ XXI trước Công nguyên, đây là nơi tụ cư sinh sống của các bộ tộc Đông Di. Thời nhà Thương khoảng thế kỷ XVII – XI trước Công nguyên, địa bàn sinh sống ban đầu nằm ở phía Tây Nam Sơn Đông.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc từ năm 770 – 221 trước Công nguyên, nhà Tây Chu thực hiện chính sách phân phong, hai nước lớn được phân ở địa bàn Sơn Đông là Tề và Lỗ. Tề là một nước lớn, đông dân trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, phát triển mạnh về giao thương; Lỗ là nước dung hòa hai nền văn hóa Chu phía Tây và văn hóa phía Đông Trung Hoa. Do hai nước Tề, Lỗ có nền kinh tế phát triển, nền chính trị và văn hóa có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Quốc, nên Sơn Đông còn được gọi là “đất Tề, Lỗ”.

Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, đặt nơi đây thành các quận Tề Bắc, Lâm Tri, Giao Đông, Lang Nha, Tiết, Đông. Nhà Hán đặt thành ba châu Thanh, Duyện, Từ. Nhà Kim đặt thành hai tỉnh Đông Sơn Đông và Tây Sơn Đông. Nhà Nguyên thành lập Sơn Đông Hành trung thư tỉnh. Nhà Minh thiết lập Sơn Đông Bố chính sứ ty; đến đời Thanh thì trở thành tỉnh Sơn Đông.

Từ cuối thế kỷ XIX, Anh, Đức, Nhật lần lượt thay nhau thiết lập ách thống trị của mình lên bán đảo này. Năm 1945, Sơn Đông trở về với Trung Quốc.

Sơn Đông là trung tâm văn hóa thời cổ đại của Trung Quốc. Sơn Đông là nơi sản sinh nhiều nhà tư tưởng, khoa học, chính trị, quân sự, văn học và nghệ thuật kiệt xuất. Về mặt tư tưởng học thuật, nơi đây là quê hương của Khổng Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử, Trang Tử, Tuân Tử,… chính trị quân sự có Quản Trọng, Án Anh, Tôn Tử, Ngô Khởi, Thích Kế Quang,… văn học có Đông Phương Sóc, Lý Thanh Chiếu, Tân Khí Tật, Bồ Tùng Linh,… về nghệ thuật có Vương Hy Chi, Trương Trạch Đoan,…; khoa học kỹ thuật có Lỗ Ban, Giả Tư Hiệp,… y học có Biển Thước, Thuần Vu Ý,… Họ đều là những người có ảnh hưởng sâu sắc và rộng khắp đến sự phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Trung Hoa.

 

Miếu thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ

Tỉnh Sơn Đông có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử. Nổi tiếng là “Ngũ nhạc chi tôn” – Thái Sơn, quê hương của Khổng Tử - Khúc Phụ, kinh đô xưa nước Tề - Lâm Tri, “Nhân gian tiên cảnh” – Bồng Lai, thánh địa Đạo giáo Lao Sơn, thành phố diều Duy Phường, ….

Kinh tế - xã hội:

Nông nghiệp và thủ công nghiệp ở Sơn Đông rất phát triển. Ngành luyện sắt, chế tạo công cụ sản xuất bằng kim loại là những ngành mũi nhọn.

Động thực vật phong phú, chủng loại nhiều. Đây là nơi sinh trưởng của các cây gỗ ôn đới. Táo Yên Đài, lê Lai Dương, đào Phì Thành, lựu Táo Trang, nho Đại Trạch Sơn, hành Chương Khưu, gừng Lai Vu, củ cải Duy Phường,… đều là những đặc sản nổi tiếng từ lâu của tỉnh. Các cây lương thực có sản lượng cao là tiểu mạch, ngô, đậu, cao lương,… Động vật gồm 450 loại, trong đó có 55 loài thú, 362 loài chim, 8 loài lưỡng thê và 25 loài bò sát.

Sơn Đông còn có thế mạnh về tài nguyên biển, lãnh hải rộng lớn, diện tích bãi biển chiếm 15% so với cả nước, sản lượng hải sản quý như bào ngư, hải sâm, tôm, hải đảm,… đều đứng hàng đầu. Ngoài ra, Sơn Đông còn là một trong bốn vùng sản xuất muối lớn nhất của Trung Quốc.

Tài nguyên khoáng sản toàn tỉnh có 128 loại, trong đó có 30 mỏ khoáng các loại có trữ lượng đứng trong 10 hạng đầu cả nước. Các khoáng sản có trữ lượng đứng thứ nhất cả nước có vàng, lưu huỳnh (chiếm trên 90% trữ lượng cả nước), thạch cao (chiếm trên 79%). Đứng hàng thứ hai về trữ lượng cả nước có dầu mỏ, đá kim cương, coban, magne, hafoni,… Vỉa dầu Thắng Lợi, Trung Nguyên là những cơ sở khai thác dầu thô lớn của Trung Quốc.

Sơn Đông là con đường giao thông quan trọng vùng ven biển phía Đông Trung Quốc, nơi đi qua của kênh đào Kinh Hàng, tuyến đường sắt Kinh Hộ, Kinh Cửu, nối Sơn Đông với các tỉnh duyên hải và nội lục khác; từ Đông sang Tây có tuyến đường sắt Giao Tế, Lam Yên cùng với mạng lưới đường bộ tỏa rộng khắp tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Sơn Đông nổi tiếng cả nước với hệ thống đường bộ tốt, dài. Đến cuối năm 2004, độ dài thông xe đường bộ đạt 77.768 km. Đường hàng không có 7 sân bay, trong đó có 3 sân bay quốc tế Tế Nam, Thanh Đảo, Yên Đài. Sơn Đông có 24 cảng ven bờ, mật độ cảng đứng đầu cả nước, khả năng bốc dỡ hàng hơn 300 triệu tấn/năm.

 

Cảng Uy Hải

Năm 2005, kinh tế Sơn Đông tăng trưởng nhanh, tổng giá trị sản phẩm đạt 1.846,83 tỷ Nhân dân tệ, tăng 15,2% so với năm trước. Thu nhập đầu người bình quân đạt 20.044 Nhân dân tệ, tăng 14,5%.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 76,9 tỷ USD, tăng 26,5%, trong đó, xuất khẩu đạt 46,25 tỷ USD, tăng 28,9%, nhập khẩu đạt 30,64 tỷ USD, tăng 23%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Sơn Đông, xuất khẩu đạt 8,98 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Năm 2005, khách du lịch trong và ngoài nước đạt 142 triệu lượt người, tăng 20%. Trong đó, khách trong nước đạt 140 triệu lượt người, tăng 20%; khách ngoài nước đạt 1,551 triệu lượt người, tăng 30%. Tổng thu nhập của ngành du lịch đạt 103,9 tỷ Nhân dân tệ, tăng 27,5%. Trong đó, thu nhập từ khách nước ngoài đạt 780 triệu USD, tăng trưởng 37,7%; thu nhập từ khách trong nước đạt 97,46 tỷ Nhân dân tệ, tăng 27%.


Theo mofahcm.gov.vn 

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Bản đồ

Nhúng bản đồ này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Bắc Kinh Thượng Hải Quảng Châu
Thâm Quyến Tây An Hàng Châu
Vân Nam Tứ Xuyên Tây Tạng
Quế Lâm Nam Kinh Macau
Thiên Tân Trùng Khánh Phúc Kiến
Xem tất cả địa điểm...