Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long

Bài viết

Thức tỉnh Vân Long - "người đẹp ngủ quên"



Hình bài viết Thức tỉnh Vân Long - "người đẹp ngủ quên"


Voọc "quần đùi trắng", một trong số những loài linh trưởng quý hiếm nhất.

Một quần thể voọc "quần đùi trắng" 40 con, đông nhất ở Việt Nam hiện nay, vừa được phát hiện ở Vân Long, Ninh Bình. Trước đó, loài vật có tên trong sách đỏ thế giới này chỉ tìm thấy tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Cùng với nó là một tour du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút rất nhiều khách tham quan.

Chuyện bắt đầu từ một con voọc nhồi được bán ở chợ Ninh Bình. Ông Tilo (người Đức), Giám đốc Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng ở Vườn quốc gia Cúc Phương, đã tình cờ nhìn thấy con voọc này. Lần theo dấu vết, các nhà khoa học kinh ngạc khi phát hiện ra Vân Long, một vùng đất ngập nước rộng lớn với một quần thể tới 40 con voọc quần đùi trắng, loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ, và một cảnh quan du lịch hấp dẫn.

Nằm ngay ven quốc lộ 1A, cách Hà Nội chưa đầy 100 cây số về phía nam, Vân Long là một quần thể núi đá vôi ven sông Đáy, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1960, theo chương trình trị thuỷ sông Đáy, người ta đã đắp một tuyến đê dài trên 30 cây số bên tả ngạn và Vân Long trở thành vùng đất ngập nước với tổng diện tích 3.500 ha. Kết quả của hơn 10 cuộc khảo sát khoa học liên tiếp sau đó cho thấy Vân Long là sinh cảnh đất ngập nước nội thuỷ có tính đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam.

Về động vật có các loài đặc trưng quý hiếm như voọc quần đùi trắng (hai đàn mỗi đàn khoảng 15 đến 20 con), khỉ vàng (có đàn tới hàng trăm con), sóc, sơn dương, phượng hoàng đất, gà lôi, các loài chim nước, chim di cư theo mùa và đặc biệt là sâm cầm. Mùa đông từng đàn sâm cầm đông đúc về đây tránh rét.

Kể từ khi người ta phát hiện ra vùng đất ngập nước Vân Long cảnh quan hoang sơ với những dãy núi đá vôi kỳ vĩ như một "Hạ Long nơi đồng bằng", khách du lịch trong và ngoài nước đổ về đây ngày càng nhiều. Năm 2000 có hơn 2.500 khách và dự kiến năm nay con số này sẽ tăng đột biến.

Dung hoà giữa bảo tồn và du lịch

Vân Long, sinh cảnh đất ngập nước nội thuỷ có tính đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam.

Từ trên đê nhìn xuống, đầm Cút chạy dài tít tắp hàng chục cây số, lúc thắt lại lúc mở ra theo hướng lượn của những triền núi đá vôi. Vách đá dựng đứng cao hàng ba bốn trăm mét màu xám được làm sinh động bởi những vạt cây ưa sống trên địa hình karst. Vào những ngày đẹp trời, du khách có thể quan sát được những đàn voọc di chuyển trên sườn núi bằng mắt thường. Trên mặt đầm, những bông súng trắng đang cố nhao lên trên mặt nước đầy ăm ắp.

Sau phát hiện khoa học về vùng đất ngập nước nội thuỷ này, Trung tâm Tài nguyên môi trường thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng đã xây dựng một dự án bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái theo mô hình cộng đồng tự quản lý và tìm ngay được tài trợ của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, với tổng trị giá 44.000 USD.

Nội dung của dự án gồm hai phần: Nâng cao nhận thức của người dân và xây dựng một số cơ sở hạ tầng gồm nhà đón khách du lịch, các trạm bảo vệ và đập tràn giữ nước. Cho đến thời điểm này, đã tổ chức được 4 lớp học: Bảo tồn thiên nhiên; du lịch sinh thái; tiếng Anh và tiếng Pháp cho nhân dân địa phương. Đập tràn cũng đã hoàn thành. Con đập này đảm bảo điều tiết mực nước trong đầm Cút lúc nào cũng đủ cao, giúp ổn định sinh cảnh và phục vụ du lịch.

Có thể nói Vân Long là một mô hình đầu tiên về cộng đồng tự quản lý môi trường thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái ở nước ta. Hiện nay giai đoạn 2 của dự án trị giá 18 tỷ đồng cũng đã được Viện Điều tra quy hoạch rừng soạn thảo và đang đợi Chính phủ phê duyệt. Dự án này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Nhưng những ý đồ to lớn của ngành du lịch lại làm các nhà bảo tồn lo ngại. Ông Douglas Hendrie, Giám đốc Dự án Bảo tồn Cúc Phương, nói: "Voọc là loài linh trưởng rất quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đàn voọc ở đây được xem như là quần thể lớn nhất ở Việt Nam hiện nay". Du lịch sinh thái là một hướng giúp người dân có thêm thu nhập và vì thế giảm sức ép lên khu bảo tồn. Nhưng nếu xây dựng khách sạn và các dịch vụ vui chơi giải trí khác quá gần nơi cư trú của chúng, tiếng ồn sẽ ảnh hưởng làm chúng có thể bỏ đi. Voọc bỏ đi đồng nghĩa với kết thúc tour du lịch sinh thái Vân Long.

Kinh nghiệm này đang xảy ra ở chính Ninh Bình. Lượng khách quá tải ở Tam Cốc - Bích Động đã quần nát cảnh quan thiên nhiên. Nếu không cẩn thận, Vân Long cũng sẽ rơi vào tình trạng ấy.

Theo vnexpress.net


Bài viết liên quan
Thức tỉnh Vân Long - "người đẹp ngủ quên"
Vân Long - 'vịnh không sóng'




Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Vân Long Resort - Khu bảo tồn thiên nhiên Vân LongHình ảnh Đầm Vân Long - Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long