Kom Pong Thom

Hình ảnh

Hình ảnh Anh 2 - Kom Pong ThomHình ảnh suoi truc 1 - Kom Pong ThomHình ảnh Anh 3 - Kom Pong Thom

Thông tin


Du khách Việt đi tour hè Campuchia luôn ồ lên ngạc nhiên khi đi qua Kom Pong Thom (tuyến Phnom Penh - Siem Reap) vì thấy những chiếc bẫy dế khổng lồ kèm theo lời thuyết minh của hướng dẫn viên: “Thống kê vào ngày cao điểm, một đêm cả tỉnh có thể bắt đến năm tấn dế”.

Chuyện đã không còn khó tin khi chúng tôi đã có một đêm “nhập cuộc” thật sống động ở xứ sở của dế.

Vương quốc dế

Hồi nhỏ, mỗi buổi chiều hè tôi thường xếp đá thành đống nhỏ để dụ dế vào trú ẩn. Sáng sớm, ông mặt trời chưa thức giấc đã tụt nhanh xuống giường nhẹ tay gỡ từng viên đá để chụp mấy chú dế than, dế lửa bỏ vào keo chao. Còn ở Kom Pong Thom người ta bắt dế bằng những cái bẫy rất to.

Đến mùa, nhà nhà, người người  đều bắt dế. Bẫy giăng khắp cánh đồng, giăng trước cửa nhà, dọc hai bên quốc lộ số 6… Ánh đèn từ những chiếc bẫy sáng lung linh, san sát nhau giống như đi Đà Lạt hay Bình Thuận thấy nông dân thắp đèn cho hoa và thanh long.

Hoạt động của một mùa thu hoạch không cần gieo trồng diễn ra nhộn nhịp về đêm.

Bẫy bắt dế nước ... đang được thay thế dần bằng bẫy khô - Ảnh: T.O 

“Tối, hễ đốt đống lửa lên là dế lại xuất hiện đen nghẹt, từ đó chúng tôi đã nghĩ ra cách bắt dế. Dế chiên giòn là một món ăn vừa thơm vừa béo ngậy vô cùng hấp dẫn mà”, chị Chênh ở phum Sro Dâu huyện Stưng Sen cho biết. Những chiếc “bẫy dế” đầu tiên ra đời khá đơn giản, gồm một hố chứa nước, phía trên căng một tấm nilon trắng, đốt xa xa một đống lửa để dụ dế. Thấy ánh sáng dế bay đến đụng đầu vào tấm nilon và rớt tõm xuống nước.

Ban đầu mỗi nhà chỉ làm một bẫy để tự cung tự cấp cho gia đình. Dần dần món ăn đặc biệt này lan tỏa qua nhiều vùng khác và xuất khẩu sang cả Thái Lan. Dế thô (chưa chiên) đã trở thành một món hàng kiếm ra tiền. Sau 7,8 năm bắt dế bán, chiếc bẫy đã được cải tiến để nâng cao hiệu quả.

Thay cho ánh lửa, người dân sử dụng ánh đèn huỳnh quang từ bình ắc qui treo tòng teng trên bẫy, vừa gọn lại dụ được nhiều dế hơn.

Hiện tại, những người bắt dế chuyên nghiệp còn tậu cả máy phát điện để thắp sáng cả trăm cái bẫy. Hai năm nay chiếc bẫy nước cũng được thay thế dần thành bẫy khô. Một tấm nilon to được xếp đôi lại, căng cao hơn mặt đất khoảng nửa mét làm túi hứng dế. Miệng túi chỉ rộng chừng gang tay để dế rớt vào sẽ khó mà trèo lên được. Bẫy này sẽ không làm dế bị ướt. Ở xứ sở của dế, đến mùa mạnh nhà nào nấy bắt, không có lao động làm thuê.

“Tắm mưa dế”…

Anh Mau Sắc - 35 tuổi, một trong những người bắt dế lâu năm giăng bẫy bên cánh đồng lúa non nói: “Thông thường bắt xong người ta chỉ thu dọn đèn, còn tôi thì xếp tất cả lại để mấy tấm nilon không bị mưa, nắng mau làm hư hao”. Anh thường giăng 50 cái bẫy, cất một cái chòi dế tạm bợ bên bìa ruộng để máy phát điện và treo chiếc võng. Đêm dế xuống nhiều anh có thể thu đến gần 500 kg.

Phân loại dế sau thu hoạch - Ảnh: T.O

Thật ngạc nhiên với qui mô như thế mà Mau Sắc chỉ làm một mình. Chúng tôi đùa: “Tối nay anh có thêm mấy nhân công từ VN sang phụ nhé” để “hợp thức hóa” sự có mặt của mình.

18 giờ, mặt trời đã đi ngủ hẳn. Máy phát điện chạy xình xịch, những chiếc đèn dụ dế thắp lên lung linh cả một con đường dài. Ánh đèn đã bắt đầu thu hút côn trùng, nhưng sao chỉ thấy nhiều vô kể bọn bọ xít, châu chấu, cào cào…

20 giờ, Mau Sắc xách đèn bình đi tới đi lui thăm từng cái bẫy. Lẫn trong bọn côn trùng không mời mà đến, chỉ mới lác đác vài con dế mèn, dế thầy chùa… Mau Sắc nói: “Làm nghề này phải thật kiên nhẫn, dế chỉ xuống từng bầy, theo đợt và từng khu vực nữa, không phải giăng bẫy đêm nào cũng có”.

“Chong rek chop!” (dế xuống), Mau Sắc reo to.

Hơn 21 giờ, dế đã xuống ở chiếc bẫy nằm cuối dãy. Một cảnh tượng không thể tin được dù đã hình dung trước.

Dế ở đâu nhiều khủng khiếp, vùn vụt nhào vào tấm nilon phát ra âm thanh rào rào hệt như cơn mưa lớn. Nào dế than, dế lửa, dế cơm to tướng… chúng tôi bò ra bắt phụ Mau Sắc những chú dế vương vãi trên đất ném lại vào bẫy. Văng vẳng những tiếng la oai oái, nhảy dựng của khách phương xa khi bọn dế phi không trúng mục tiêu, liên tục đập vào người đau điếng. Dế và côn trùng bu đen trên mỗi người. Có bạn đang la bị dế phi luôn vào miệng!

Rồi đến chiếc bẫy thứ 2, thứ 3… Bẫy nào đầy, Mau Sắc nhanh tay túm túi lại, dồn dế vào một góc, mở dây cho dế vào thùng nhanh tay dậy nắp lại. Thu dế về chòi, Mau Sắc lấy nước đổ vào thùng ít phút nén chặt lại cho dế chết ngộp, rồi bỏ vào rổ sàng cho những loại côn trùng nhỏ hơn dế rớt ra. Bọn côn trùng bị loại chiếm đến 2/3 thùng. Chúng tôi giúp Mau Sắc phân loại. Số một có giá trị nhất là dế cơm giá trung bình 8000 ria/kg (tương đương 2 USD). Đêm nay Mau Sắc chỉ thu được khoảng một kg. “Vậy là dế cơm hiếm hàng, sẽ bán được 10.000 ria/kg”, Mau Sắc cười. Kế đến loại 2,3 và 4, giá từ 6000 ria - 1.000 ria/kg. Lẫn trong đống dế còn có cà cuống và niềng niễng cũng là loại côn trùng khoái khẩu bán được giá cao.

Sau mùa dế trừ hết các chi phí Mau Sắc có được khoảng 500 USD để lo cho các con ăn học. “Nhưng vợ tui nói làm nghề này phải thức đêm, không giàu được nên đã bỏ đi Poipet (biên giới giáp Thái Lan) để tui làm một mình”, Mau Sắc tâm tình.

Một cơn mưa rào giữa khuya đổ xuống. “Mưa dế sẽ không xuống nữa. Làm nốt cho xong rồi điện thoại sẽ có người đến thu tại chỗ. Nhà nào bắt được ít thì đem ra chợ bán”, Mau Sắc nói.

Ngủ được vài tiếng sau một đêm cùng người dân bắt dế. 9 giờ sáng, chúng tôi ra chợ Kom Pong Thom, dế đã được chiên giòn vàng ươm bày lên mâm. Giá 1.000 ria/lon. Không biết có chú nào trong ấy đêm qua chui tọt trong người chúng tôi không?…

Theo dulich.tuoitre.com.vn

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Khách sạn

Kom Pong Thom

Địa điểm liên quan

Căn cứ địa Pol Pot Preah Vihear Kbal Spean