Châu Trang

Hình ảnh

Hình ảnh 50734608_chau - Châu TrangHình ảnh P12-13-NS5-1 - Châu Trang

Thông tin


Châu Trang - thành Venice phương Đông

"Thượng giới có thiên đàng, hạ giới có Tô Châu, giữa có Châu Trang", người Trung Hoa luôn tự hào như thế. Với những nét đẹp độc đáo được trân trọng bảo tồn nguyên vẹn của một thành - phố - nước cổ kính bậc nhất phía nam sông Dương Tử, Châu Trang xứng đáng được coi là "thành Venice phương Đông".

Nằm cách Thượng Hải khoảng 70 km về phía tây, thị trấn Châu Trang là thành - phố - nước ra đời sớm và tiêu biểu nhất của Giang Nam (tỉnh Giang Tô - Trung Quốc). Thị trấn nhỏ với dân số chỉ khoảng 20.000 người này tập trung mọi vẻ đẹp của những thành - phố - nước phía nam sông Dương Tử: những cây cầu đá với đường nét chạm trổ sinh động bắc ngang sông, những ngôi nhà cổ tường trắng mái đen, các khung cửa sổ trang trí bằng vỏ sò, và những con thuyền gỗ nhẹ trôi trên làn nước trong xanh...

Một con đường nước tại Châu Trang.
Một con đường nước tại Châu Trang.

Theo các sách sử, năm 1086, năm trị vì đầu tiên của Hoàng đế Zherong thời Bắc Tống (960-1127), tại đây, Zhou Digong - một người họ Châu sùng đạo Phật - đã cắt hơn 5.000 km đất hiến tặng chùa Quanfu. Dân địa phương biết ơn ông, đặt tên vùng đất là Châu Trang. Giữa thời nhà Nguyên (1206-1368), một phú ông họ Thẩm chuyển đến Châu Trang, mở mang kinh doanh, lập nên các thị tứ, các chợ dọc theo sông Nanbeishi, mang lại cho Châu Trang vẻ trù phú. Con trai ông là Thẩm Vạn Tam nối nghiệp cha, khai thác mạng lưới đường sông dày đặc của Châu Trang, biến nơi đây thành trung tâm giao thương nổi tiếng với các mặt hàng lụa, sứ, đồ thủ công và thóc gạo ở phương nam.

Được mệnh danh là "Venice của phương Đông", từ xa xưa Châu Trang đã là điểm đến và khơi nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ Trung Hoa. Châu Trang được bao bọc bởi rất nhiều sông hồ đan xen, hầu hết nhà cửa ở đây đều được xây dựng ven các dòng kênh với lối đi bộ nhỏ ngăn cách, dần dần đã trở thành những con đường tự nhiên của thị trấn này. Vẻ đẹp của Châu Trang còn lắng đọng ở những cây cầu đá mà nổi tiếng nhất là cầu Song Kiều. Song Kiều được xây dựng hơn 400 năm trước, gồm một nhịp cầu cong và một nhịp cầu vuông bắc qua hai con sông giao nhau Yinzhi - Nanbeishi, nối với nhau theo hình chiếc chìa khoá. Đầu những năm 1980, bức tranh vẽ cầu Song Kiều của họa sĩ nổi tiếng người Trung Quốc Chen Yifei tham dự triển lãm ở New York được ông Arman Hammer - Trưởng Ban Giám đốc của Công ty dầu lửa Occidental - mua, rồi tặng lại cho Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Trung Quốc 1 tháng sau đó.

Ngày nay, cảnh mua bán nhộn nhịp sầm uất của Châu Trang không còn nữa, thay vào đó là một bầu không khí cổ kính tĩnh lặng bao trùm. Đến thăm Châu Trang giống như một chuyến đi ngược thời gian. Các khách sạn ở đây hầu hết là những ngôi nhà hơn 100 năm tuổi. Người dân địa phương hằng ngày vẫn ngồi trên những bậc thang nơi bến nước, bình thản giặt quần áo hay thêu ren, câu cá. Trong chuyến thăm của mình tới Châu Trang, ông Alan Malannon - chuyên gia tư vấn của Trung tâm Di sản Thế giới LHQ - đã ca ngợi thành phố này như cây violin đang chơi một bản nhạc dìu dặt. Còn ông Paul Gosda - Thị trưởng thành Venice (Italy) - khi thăm Châu Trang đã khen ngợi thành tích bảo tồn di sản của thị trấn này. Tại ngôi nhà cổ của gia đình họ Thẩm, ông đề tặng dòng chữ lưu niệm: "Venice chúc mừng Châu Trang".

Theo Lao Động

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải Đường Nam Kinh Sông Hoàng Phố
Đại học Thượng Hải Châu Trang