Huế

Bài viết

Festival Huế và những chuyến thăm thú làng quê



Hình bài viết Festival Huế và những chuyến thăm thú làng quê

Một trong những đặc trưng của Festival Huế là các hoạt động lễ hội và văn hóa cộng đồng. Người dân thực sự là chủ nhân của Festival. Họ tổ chức, họ sáng tạo, họ biểu diễn, họ thưởng thức, họ vui chơi...

Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn…

Tại Festival Huế 2008, cầu ngói Thanh Toàn sẽ lại nhộn nhịp lên với Chợ quê ngày hội, làng cổ Phước Tích sẽ ý vị hơn với Hương xưa làng cổ. Du khách một lần nữa có cơ hội thăm thú làng quê Huế, đẹp, bình yên và đầy nét phong vị trữ tình.

Cầu ngói thuộc làng Thủy Thanh xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km - nơi đã thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong các Festival Huế 2002, 2004, 2006. 

Cầu ngói Thanh Toàn bằng gỗ, được xây dựng năm 1776 theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu), dài 17m, rộng 4m. Cầu do bà Trần Thị Đạo, người làng Thanh Thủy Chánh xây dựng để cho dân làng hai bên qua lại được thuận tiện, khỏi phải dùng đò ngang, và cũng để cho những bộ hành cùng những người cơ nhỡ tạm dừng chân khi lỡ bước, cả cho dân làng đến ngồi nghỉ ngơi, hóng mát trong những buổi trưa hè, hay những đêm trăng thanh gió mát.

Cầu ngói Thanh Toàn - Huế, nơi sẽ  tái hiện phiên chợ làng quê Huế xưa

Vẫn mang đậm chất xưa dân dã, mộc mạc, chợ quê cầu Ngói sẽ lại được tái hiện qua một phiên chợ ngày hội của vùng nông thôn. Chợ được tổ chức từ cầu Chùa (đình làng Thanh Thủy chánh về đến cầu ngói Thanh Toàn) đến Phủ thờ Tôn Thất Thuyết, nhân vật chủ chiến trong sự biến Kinh đô 1885. Bên chiếc cầu ngói xinh xắn, trữ tình là cảnh mua bán tấp nập, đông vui của ngôi chợ nhỏ làng quê Huế xưa.

Ở đây, khách tự do lựa chọn các sản vật của vùng quê Hương Thủy: gạo Thủy Dương, Thủy Phù, nếp Thủy Tân, Thủy Vân, bột lọc, rượu gạo Thủy dương, rượu ngon làng Chuồn, bánh tráng Thủy Lương, đậu xanh, đậu phụng, bắp Dương Hòa, dưa gang Thủy Châu, Thủy Lương; các đồ mỹ nghệ, mây tre đan vốn nổi tiếng của Dạ Lê, Bao La…

Khách đi chợ có dịp thưởng thức các loại chè, bánh truyền thống như bánh tày, bánh ú, bánh phu thê, chè bắp, chè hạt sen, kẹo cau, kẹo đậu phụng, kẹo gừng, đậu hũ, củ sắn, củ môn với muối mè, đường đen... cùng những món ngon dân dã của riêng Huế như xôi thịt hon, muối sả, muối mè, muối đậu, cơm mo, cơm nắm, cá trê nướng, các loại bánh bèo nậm lọc…, cơm hến, bún hến Vĩ Dạ, khoai luộc Thủy Thanh, bánh canh cá lóc Thủy Dương... Trong hương vị đồng quê, từng làn khói mang hương thơm của món ăn bay đi khắp chợ.

Trong những mái nhà tranh, cột gỗ, các bà, các chị mặc trang phục quê xưa làm những tô cơm hến, bún hến, bánh canh và bát nước chè xanh thôn dã. Một bầu không khí cởi mở, thân thiện lan tỏa khắp mọi nơi. Không chỉ tham quan, khách còn trực tiếp tham gia vào các sinh hoạt dân gian của ngày hội như chơi bài chòi, cờ tướng, đá gà, đạp nước, cất vó, câu cá dọc hai bên bờ sông Như Ý. Trẻ con sẽ chơi trò bịt mắt đập om, nhảy bao bố, vật tay, đi xe đạp chậm, đi cầu khỉ…

Ngoài khu buôn bán, khu ẩm thực, khu vui chơi dân gian, chợ quê còn có nhà trưng bày những nông, ngư cụ sản xuất như: xe đạp nước, cày, bừa, liềm, gầu, xe quạt lúa; và khu tái hiện đời sống, sinh hoạt nông thôn như xay lúa, giã gạo, dần sàng, đan lát... Khách cũng sẽ được xay bột, học làm bánh huế, hay chèo đò dạo chơi sông.

Năm nay, khai mạc chợ quê còn gắn với việc cung nghinh linh vị bà Trần Thị Đạo và hoạt cảnh chợ quê với lòng thành tưởng nhớ công đức người xưa. Đêm thơ, đêm hò giã gạo trong cái mát mẻ, êm ả của đêm hè.

Và, còn đó tiếng tre êm ru…

Phước Tích lại một lần nữa với lễ hội "Hương xưa làng cổ". Phước Tích là một trong những làng quê được hình thành từ thế kỷ XV thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Ban đầu, vào thời Lê Sơ, làng có tên là Dõng Quyết, sau đó đổi thành Phước Giang, rồi Hoàng Giang. Đến triều các vua Nguyễn, làng được đặt tên là Phước Tích và tên gọi ấy gắn chặt với làng cho đến nay.

Cây thị hơn 500 năm tuổi bên miếu thờ thần linh - Ảnh: Tuổi Trẻ

Trải qua hơn 500 năm, Phước Tích nay vẫn giữ được những giá trị quý báu cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, là ngôi làng duy nhất ở nước ta còn lưu giữ được một “tài sản” quý giá, đó là gần 30 ngôi nhà rường cổ, kiểu ba gian hai chái theo mô típ kiến trúc cung đình, có họa tiết hoa văn trang trí tinh tế và cực kỳ công phu.

Nhà ít tuổi nhất cũng trên 100 năm, có nhà đã tồn tại được 180 năm. Bao quanh mỗi ngôi nhà là khu vườn rộng, chừng 1.000-1.500m² với nhiều loại cây ăn trái, phía ngoài có hàng rào chè tàu cắt tỉa thẳng tắp, toát lên nét tinh tế, kín đáo, ngăn nắp, gọn gàng. Những công trình tín ngưỡng cùng với những bến nước bên dòng Ô Lâu, đình làng, vườn nhà đã tạo nên một bức tranh quê êm đềm. Cây thị hơn 500 tuổi vẫn đẹp bóng thời gian.

Phước Tích từng nổi tiếng về sản phẩm gốm với danh tự “Độc Phước Tích”. Xa xưa cả làng sống bằng nghề gốm, lúc cực thịnh cả làng chẳng bao giờ tắt khói lò. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Không chỉ là âu, chậu, hũ, ghè, thạp, chum, lu, niêu, bình vôi, trình, thống... gia dụng tiêu thụ trong dân gian, gốm Phước Tích còn được dùng và trang trí trong hoàng cung triều Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo một thuở, nay vẫn được lưu giữ.

Đặc biệt, dân làng Phước Tích đã quen sống chan hòa với thiên nhiên nên có một sức sống bền bỉ tựa hồ không bị ảnh hưởng bởi cơn lốc đô thị hóa. Đến với Phước Tích, du khách có dịp thăm thú hệ thống nhà rường cổ, vườn xưa, đình, chùa, miếu, nhà thờ của các họ tộc, các di tích văn hóa Chăm Pa, những cây cổ thụ trên 700 năm tuổi, nghe tiếng tre êm ru soi bóng trên dòng Ô Lâu hiền hòa.

Nhà cổ ở Phước Tích - Ảnh: Tuổi Trẻ

Hương Xưa làng cổ sẽ tái hiện lại không gian văn hóa của làng cổ Phước Tích với các hoạt động cộng đồng đặc sắc như lễ tế cổ truyền, trình diễn nghệ thuật gốm, nghề điêu khắc, nghề đan đệm, ẩm thực, đua thuyền, trò chơi dân gian...

Năm nay, đêm trước ngày khai mạc dân làng sẽ làm lễ tế, hôm sau có hội thi nấu cơm nhanh bằng nồi, om đất, thi làm bánh quê Huế… Du khách sẽ cùng chơi, và tự tay làm chiếc bình hoa bằng đất, nấu om cơm, làm bánh Huế và cùng thưởng thức hương vị quê nhà với cơm om đất ăn với cá rô hoặc cá trê đồng nướng, mít luộc chấm nước lèo, vả trộn, rau muống, rau khoai luộc chấm nước tương Phước tích…;, mua nước mắm ngon Phong Hải, tương măng Phong Mỹ, rượu trắng Phong Chương, đệm bàng Phong Bình…

Rồi theo tuyến du lịch sinh thái nước khoáng Thanh Tân, thác Khe Me, thác Ah Don, bãi tắm Mỹ Hòa (Điền Môn), thăm làng nghề gốm, điêu khắc, mộc Mỹ Xuyên, làng đệm Phò Trạch, làng vàng Kế Môn, chiến khu Hòa Mỹ…

Festival Huế 2008 tôn vinh các miền quê, làng nghề, quảng bá những sản phẩm thủ công truyền thống, khôi phục một số lễ hội và trò chơi dân gian đặc sắc, thử làm nghề nông, người thợ thủ công… tại “Chợ quê Cầu Ngói”, "Hương xưa làng cổ" một mặt góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng quê ven Huế, mặt khác đánh thức và khai thác tiềm năng du lịch về những địa danh lịch sử và ngành nghề truyền thống những nơi này…

Không là điểm nhấn, không phô diễn rầm rộ, chỉ là đi để thấy, để trở về trong ký ức, để thấm đẫm cảnh sắc quê hương trong hương lúa nồng nàn, thả mình thư giãn trong yên bình của những làng quê.

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
Đại nội Huế sẽ mở cửa đón khách ban đêm
Cảnh sắc mây lồng bóng nước tuyệt đẹp ở đầm Lập An
Về miền Hương Ngự, để biết Huế có dịu dàng
Ngắm Huế huyền ảo trong sương sớm
Đến Huế mùa dịu dàng nhất
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Hue3.jpg - HuếHình ảnh Những cô gái Huế thướt tha trong tà áo dài truyền thống và nón lá  - HuếHình ảnh Hue2.jpg - HuếHình ảnh Nhịp sống Huế mùa lễ hội - HuếHình ảnh Hue1.jpg - Huế
Xem tất cả hình ảnh...