Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết

SÀI GÒN XƯA TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI



Hình bài viết SÀI GÒN XƯA TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
"Nhà cửa rộng lớn thích hợp với phong thổ... Phố xá ngay hàng thẳng lối hơn là ở nhiều kinh thành châu Âu... Chúng tôi có cảm giác tốt đẹp về phong tục và cử chỉ của người dân. Sự ân cần, rộng lượng, lòng hiếu khách mà chúng tôi đã gặp vượt rất xa tất cả những gì từ trước đến nay chúng tôi đã thấy ở các nước châu Á".

Đó là nhận xét của bác sĩ Finlayson trong phái bộ Anh đến Sài Gòn năm 1822.Đặc biệt, không chỉ ông mà nhiều nhà hàng hải nước ngoài khác cũng có thái độ rất trân trọng về thành phố mới này.

sai-gon-xua-01

Voi trên phố Sài Gòn xưa

Ngày xuân, bên tách trà nóng, nhắc chuyện xưa để suy nghĩ, dự cảm tương lai...

sai-gon-xua-02

Buôn bán gạo trên sông Chợ Lớn xưa

Đi tìm miền đất hứa

Những ngày đi điền dã các địa danh, phế tích cổ để tìm lại hình bóng Sài Gòn xưa, tôi như lạc vào thiên sử của mảnh đất trù mật bên bờ sông. Các cụ cao niên kể lời cha ông truyền lưu rằng: "Ngày xưa, cha ông tôi bỏ đất Bắc, lìa quê Trung, làm phận lưu dân là để đi tìm miền đất hứa. Nếu linh địa này không thỏa mãn được giấc mộng đổi đời của cha ông, thì có lẽ thế hệ hậu sinh của chúng tôi đã không còn ở đây hôm nay".

sai-gon-xua-03

Góc cảng Sài Gòn xưa

Dòng ký ức truyền lưu và thư tịch của người Việt viết về Sài Gòn khá nhiều. Từ chính sửPhủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn hay bộ địa chí đầu tiên Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức... Nhưng để cố gắng nhận diện một Sài Gòn từ góc nhìn khác khách quan hơn từ bên ngoài, tôi lần lại các tập hồi ký, nhật ký, bản trình của những người ngoài đã đặt chân đến mảnh đất này thuở nào. Đó chính là các nhà hàng hải khám phá miền đất mới, chính khách, bậc truyền đạo, thương nhân, kể cả kẻ cầm súng đi xâm chiếm. Trong va chạm văn hóa hay xung đột với lòng ái quốc, họ vẫn phát hiện và trân trọng nhiều điều đáng quý ở thành phố mới của miền đất phương Nam.

Năm 1822, bác sĩ George Finlayson là thành viên trong phái bộ Anh do John Crawfurd dẫn đầu đến Sài Gòn trong thời cầm quyền của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mục đích phái bộ này là tìm kiếm giao kết thương mại với nhà Nguyễn, và Sài Gòn là một trong những đô thị doanh thương giàu tiềm năng.Mặc dù không ở lâu ngày, nhưng Finlayson đã có nhiều thiện cảm.Thời ông đến, thành phố Sài Gòn vẫn còn tạm phân thành khu vực Bến Nghé và Sài Gòn. Sau khi trực tiếp tận mắt thăm thú, ông đã viết lại trong hồi ký được xuất bản năm 1826: "...Có hai thành phố lớn ở đây, mỗi thành phố lớn như là thủ đô Xiêm La (Thái Lan)".

sai-gon-xua-04

Nhà hát Sài Gòn xưa

Bác sĩ Finlayson cũng đặc biệt quan tâm đến hàng hóa của thành phố bên sông này. Mặc dù nhận xét nền doanh thương chưa xứng quy mô và tiềm năng địa phương, nhưng ông vẫn tỉ mỉ mô tả sản vật đa dạng: "Các sản phẩm người bản xứ dùng đều tràn đầy ở mọi cửa hàng. Có lẽ chẳng nước nào sản xuất nhiều trầu, cau như nơi này... Cá khô và tươi; gạo, khoai lang chất lượng rất tốt; bắp Ấn Độ, măng tre đã được nấu chín; hạt lúa đã nảy mầm, đường thô, chuối, cam, bưởi, mãng cầu, lựu và thuốc lá có rất nhiều. Heo được bán ở tất cả cửa tiệm và gà trong tình trạng rất tốt đều bán rất rẻ. Thịt cá sấu rất được ưa chuộng... Các cửa tiệm rộng đủ thuận tiện, trong đó các hàng được trưng bày thuận lợi nhất... Để đổi lại các hàng nhập, xứ sở của họ có gạo rất nhiều, bột gia vị bạch đậu khấu, tiêu, đường, ngà voi, trầu". Sự thật, Sài Gòn trải suốt lịch sử lập phố và phát triển đã nổi danh cả nước là nhiều chợ như chợ Bến Thành, chợ Điều Khiển, chợ Sỏi, chợ Cây Da Còm, chợ Quán, chợ Lò Rèn, chợ Nguyễn Thực, chợ Bình An... Và chúng chính là sức sống rõ nét của phố thị này.

Đến Sài Gòn trước Finlayson hai năm, John White cũng xuất bản hồi ký Chuyến đi đến Nam Hà viết về thành phố mới của nước Việt. Trên chiếc tàu Franklin, ông khởi hành từ cảng Salem, bang Massachusetts, Mỹ, tháng 1 năm 1819, và trải nhiều khó nhọc mới đến vịnh Vũng Tàu sáu tháng sau đó. Nỗ lực của viên trung úy hải quân kiêm thương nhân vào Sài Gòn lần thứ nhất bất thành, vì sự phức tạp của các thủ tục hành chính cũng như nạn nhũng nhiễu của một số quan lại. John White phải quay tàu sang Philippines, tìm kiếm thông dịch viên cho nỗ lực trở lại Sài Gòn. Lần này, ông thành công, dù rằng sau đó đã gặp nhiều khó khăn trong thương vụ mua đường mía.

Trong góc nhìn quy chiếu từ văn hóa mình về hành vi thương mại của một số dân buôn và quan lại Sài Gòn, John White vẫn có nhiều phát hiện, thiện cảm với mảnh đất này. Ông không tiếc lời ca ngợi Sài Gòn là thành phố cảng rất thuận lợi cho giao thương quốc tế, đã đạt đến đỉnh cao công nghệ đóng tàu cũng như kỹ thuật hàng hải. "Chỗ đóng tàu này đã tạo danh dự cho người An Nam hơn tất cả những gì hiện có trong xứ sở họ. Nó có thể cạnh tranh với tất cả những xưởng đóng tàu tốt nhất của châu Âu". Hồi ký của ông còn không tiếc lời có cánh cho tài nguyên gỗ quý dồi dào hiếm có để phát triển ngành đóng tàu ở Sài Gòn: "Các thứ gỗ để đóng tàu và những lớp vỏ lòng tàu đều là những thứ đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ được thấy... Tôi không tin trên thế giới này lại có những bậc tiền bối vĩ đại của các rừng cây như thế. Tôi đã thấy ở xứ sở này có một loại cây không có mắt, từ cây đó người ta có thể làm một cột buồm rất lớn cho một chiếc thương thuyền...".

sai-gon-xua-05

Thiếu nữ Sài Gòn dệt vải

Sau khi mê mải tham quan và ca ngợi "người An Nam phải là những kỹ thuật gia tài tình về thủy quân và công trình của họ có vẻ đẹp khéo léo hoàn hảo", John White đi thăm thú thành phố Sài Gòn. Bên cạnh những phàn nàn, ông ta cũng nhận xét nhiều điều thú vịở thành phố này như Finlayson sau đó cũng phát hiện tương tự: "...Loại cây cọ cũng được trồng hai bên nhiều con đường ở vùng ngoại thành phố, mà nếu sự so sánh không quá lậm xưng, thì các con đường ấy cũng giống các đường lớn ở Paris". Có lẽ, loại cọ mà John White nhìn thấy chính là cây cau và cây dừa vốn được trồng nhiều ở xứ sở này.

Cặp mắt xét nét của viên trung úy Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn còn nhìn thấy đây là mảnh đất dễ sống với một thị trường dồi dào, giá rẻ. Ông ta kể lại trong hồi ký: "Để dẫn bằng chứng phong phú đang ngự trịở các chợ và giá cả thị trường cực rẻ cho cuộc sống ở Sài Gòn, tôi sẽ cung cấp giá cả của ít thứ hàng hóa sau đây: thịt heo, 3 xu một cân; thịt bò, 4 xu một cân; các thứ gia cầm 50 xu một tá...; gạo, 1 đôla cho một hộc nặng 150 cân Anh; khoai lang 45 xu một hộc; cam, từ 30 xu đến 1 đôla một trăm quả... Bởi vì tôi nói đến trái cây, tôi sẽ nỗ lực để mô tả những thứ trái cây mà theo ý chúng tôi, đều là những loại trái cây ngon nhất có trong mọi xứ khác ở vùng Đông Ấn". Một chi tiết thú vị khác cũng được John White tinh tế phát hiện và ghi chép tỉ mỉ lại trong hồi ký của mình: "Những thức uống duy nhất là nước trà và một loại rượu gạo thơm. Người nghèo thì tiêu thụ trà phẩm chất thấp, lá trà to bản, từ các vùng quanh Huế đem vào bán, gọi là trà Huế.Thứ trà ngon nhất thì được nhập cảng từ Trung Hoa và đó chính là thứ trà đen rất được ưa chuộng". Chi tiết tưởng chừng vụn vặt trong cuộc sống người Sài Gòn đầu thế kỷ XIX đã cho thấy sự giao thương đường xá phát triển rất mạnh ở vùng đất này, kể cả những thương thuyền đến và đi từ Trung Hoa cách xa hơn 1.000 hải lý.

Thành phố thương cảng

Đặc biệt, nhà hàng hải người Mỹ John White này còn nhiều lần nhận xét những gì nhìn thấy trên mặt nước của xứ sở được mệnh danh là đất sông rạch. Suốt hải trình từ Vũng Tàu vào Sài Gòn và lưu lại đây, ông nhiều lần trầm trồ cảnh ghe thuyền tấp nập, lướt đi như bay và những phụ nữ khéo léo chèo chống những con thuyền đầy hàng hóa. Đó chính là sức sống của nền kinh tế thủy lộ Sài Gòn thuởấy. Cảnh này cũng giống bài thơ được cho là của Ngô Nhân Tịnh: "Thuyền bắc nam lui tới/ Ghe đen mũi, ghe vàng mũi ra vào coi lòa nước/ người đông tây qua lại/ tàu xanh mang, tàu đỏ mang, hàng hóa chất ngất đầy trời...".

sai-gon-xua-06

Góc phố Sài Gòn xưa

Sau nhiều tháng lưu trú, giao thương ở Sài Gòn, John White phát hiện điểm sâu sắc nhất, chân xác chính là quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Thời gian đầu, ông đã dành nhiều bút mực than vãn chuyện bị nhũng nhiễu, hành hạ bởi viên quan tham Huỳnh Công Lý.Đây là thời điểm Lê Văn Duyệt lai Kinh, về Huế, để phó tổng trấn Huỳnh Công Lý giữ Gia Định. Viên quan tham này đã tựtung tự tác nhiều chuyện sai quấy như ăn hối lộ, bòn rút phu phen đào kênh An Thông Hà và tất nhiên cũng chẳng tha những kẻ đến từ nước ngoài như John White. Khi Lê Văn Duyệt về, hồi ký của viên trung úy người Mỹ đã thay đổi hẳn, không tiếc lời ca ngợi sự uy nghiêm, cầu thị của quan tổng trấn.

Thậm chí, một đoạn trong hồi ký người Mỹ này còn ghi rõ cảm tưởng tiếc cho xứ An Nam không có một người tầm vóc như Lê Văn Duyệt làm hoàng đế để phát triển thành một vương quốc hùng mạnh. Cảm tưởng "phạm húy" của John White thật ra cũng có phần cơ sở khi giở lại sử liệu người ta dễ dàng thấy rõ dấu ấn to lớn của Lê Văn Duyệt ở mảnh đất này. Nối tiếp Gia Long, chính ông là người đã góp phần lớn đưa Sài Gòn - Gia Định trở thành vùng đất phóng khoáng, miền đất hứa của nhiều dòng lưu dân, kể cả người nước ngoài như Trung Hoa, để mở mang thương cảng, phát triển kỹ nghệ sản xuất, coi trọng kẻ làm ănTrải suốt hơn 300 năm phát triển, sức mạnh dẫn đầu nền kinh tế Sài Gòn vẫn là xuất nhập khẩu, và nó có tiền đề ngay từ thuở ban đầu lập phố. Bên cạnh các nhà hàng hải nước ngoài, sử gia uy tín Lê Quý Đôn đã kể lại mẩu chuyện thú vị trong Phủ biên tạp lục rằng có một nhà buôn từ Đàng Ngoài vào: "Thường đi vào tháng 9 tháng 10, về vào tháng 4 tháng 5, thuận gió không quá 10 ngày đêm là tới... đến xứ Vũng Tàu ở đầu cõi Gia Định là chỗ hải đảo, có dân cư, hạ buồm đậu vào, hỏi thăm nơi nào được mùa, nơi nào mất mùa mới đến ở. Trên thì có cửa biển Cần Giờ, ở giữa thì vào cửa biển Soài Rạp... Đến chỗ nào cũng là thuyền buồm tụ họp, mặc cả thành giá thì người bán hàng tự sai người nhà khuân hàng xuống thuyền... Giá thóc rẻ, chưa nơi nào được như thế.Gạo nếp gạo tẻ đều trắng dẻo, tôm cá rất to, béo ăn không hết".

sai-gon-xua-07

Một góc chợ Sài Gòn xưa

Điều thú vị là không chỉ chính sử trong nước, mà cả các nhà hàng hải nước ngoài cũng ghi nhận nhiều tàu viễn dương quốc tế thường xuyên cặp cảng Sài Gòn. Trong đó có tàu của người Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ, Pháp, Miến Điện, Nhật Bản, Ma Cao... Xứ sở này có gạo dồi dào đến mức nhiều lần đã hào phóng cứu đói lân bang. Tháng 4-1789, nước Xiêm (Thái Lan), bị hạn, đói đã cầu xin Nguyễn Ánh và được tiếp cứu 8.800 vuông gạo, mỗi vuông tương đương với một giạ nặng 23kg. Năm 1804 lại đến Lữ Tống (Philippines) gặp nạn đói.Nguyễn Ánh lại hào phóng cho đong 500.000 cân gạo. Điều đặc biệt là từ thương cảng Sài Gòn rất nhiều chuyến tàu của nước Việt đã sản chở vật gạo, đường, kỳ nam, trầm hương, ngà voi, sừng tê giác đi đổi hàng hóa, đặc biệt là hàng quốc phòng như kim loại, thuốc súng, vũ khí...

Đất mần ăn

Sau thời Sài Gòn - Gia Định được xem là đất hưng long của Nguyễn Ánh, các vị vua ở triều đình Huế nối tiếp đã một thời ca thán người đất này không có nhiều kẻ học. Lần lại chính sử và cả các tập hồi ký của những người nước ngoài, chưa thể khẳng định điều đó.Nhưng nếu xét ở góc độ người dân xứ này không mê con đường khoa bảng để tiến thân, thì có lẽ cũng có phần đúng. Ngoài lý giải, nhiều người miệt này từ nguồn gốc di dân, lưu đày với "lý lịch" không thuận cho đường quan trường, còn có nguyên nhân quan trọng là thiên nhiên xứ này trù phú ưu đãi nên người ta không cần làm quan vẫn có cuộc sống ấm no, thoải mái.

sai-gon-xua-08

Thú phong lưu của người Sài Gòn xưa

Trong luận án tiến sĩ "Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng", giáo sư Choi Byung Wook, chuyên gia Việt Nam học ở Đại học Inha, Hàn Quốc, đã đề cập nhiều vấn đề đặc điểm này của người miền Nam. Ông kể cuộc thi Hội dưới triều Minh Mạng, trong 75 tiến sĩ và phó bảng, chỉ có hai người Nam, trong khi 35 người Trung và 37 người Bắc. Lý giải nguyên nhân, ông cho rằng ngoài thái độ phân biệt của triều Minh Mạng và truyền thống học hành của hai miền ngoài, chính điều kiện kinh tế thuận lợi là nhân tố quan trọng của sự "yếu kém" trong sĩ tử "Nam nhân".

sai-gon-xua-09

Nét nhàn hạ của phụ nữ xưa cho thấy cuộc sống phong lưu của Sài Gòn

Giáo sư Choi Byung Wook dẫn chứng thú vị quan lại dưới triều Nguyễn nếu chỉ sống thanh bạch bằng đồng lương sẽ không đủ nuôi gia đình bình thường, trong khi một nông dân miền Nam có dăm mẫu ruộng là sống thoải mái. Lương của tri huyện mỗi năm là 22 hộc gạo, và chỉ 2,88 mẫu ruộng ở Biên Hòa đã đủ sản xuất ngần ấy, đất tốt dưới miền Tây còn nhiều hơn nữa. Điều này chính sửPhủ biên tạp lục đã ghi chép cụ thể: một hộc lúa giống ở Gia Định, Biên Hòa thu lại được 100 hộc, ở đất Mỹ Tho, Cao Lãnh thì thu đến 300. Đó chính là lý do "Nam nhân" không chuộng quan trường. Thậm chí, có người đã bỏ học, từ quan để trở về làm nông dân, thương nhân, tuy không mũ áo xênh xang nhưng có cuộc sống ấm no, tự tại, "được mùa ta quẩy thêm bầu rượu, áo nón rượu ghe mấy bác nông".

Và Sài Gòn từ thuở đầu xa xưa ấy đã là miền đất hứa, xứ xở phóng khoáng của những người chí thú mần ăn."Phủ Gia Định! Phủ Gia Định! Nhà đủ, người no chốn chốn/ Xứ Sài gòn! Xứ Sài Gòn! Ở ăn vui thú nơi nơi".



Bài viết liên quan
5 điểm du lịch dưới 300.000 đồng gần Sài Gòn
Những điểm đến mát rượi một ngày gần TP.HCM
Những hoạt động thú vị để đón giao thừa tại TP.HCM
Đi đâu gần TP.HCM trong 2-3 ngày
Vườn Xoài - điểm đến mới lạ cho dân Sài Gòn
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh City At Night - Thành phố Hồ Chí MinhHình ảnh Bắn pháo hoa Tết Nguyên Đán 2007 - Thành phố Hồ Chí MinhHình ảnh Lunar Year 2007_1 - Thành phố Hồ Chí MinhHình ảnh CityAtDusk.jpg - Thành phố Hồ Chí MinhHình ảnh saigon at night.jpg - Thành phố Hồ Chí Minh
Xem tất cả hình ảnh...