Đồng Nai

Bài viết

Hành trình về núi rừng Lý Lịch



Hình bài viết Hành trình về núi rừng Lý Lịch
Không như những gì tôi vẫn tưởng tượng về một khu rừng đại ngàn đất đỏ trơn trượt mùa mưa, cửa rừng Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) mở ra như một bức tranh thủy mặc vào buổi sớm mai sương chưa kịp tan trên từng cành lá.

Tỉnh lộ 716 trải nhựa xa tít như một dải lụa vắt giữa rừng xanh thẳm. Hơn 30 km từ cửa rừng vào đến làng Lý Lịch của người Châu Ro là chập chùng dốc nối tiếp nhau. Con đường hun hút khiến người ta thích thú bởi cảm giác mọi thứ đã bị che khuất ngay trước mắt. Nếu có ý định khám phá khu di tích bảo tồn lịch sử huyện Vĩnh Cửu này bằng xe máy, nhất thiết bạn phải chọn một chú “ngựa sắt” thật chiến mới đủ sức chinh phục được những con dốc cao ngút nhưng êm ái như lụa này.

Hai bên đường vàng rực hoa cây giá tị, điểm xuyết màu tím của hoa bằng lăng và chen chúc màu xanh của sao, dầu, gõ mật, cẩm lai, gõ đỏ... Hàng trăm lối mòn nằm hai bên đường, bất kể rẽ vào đường nào bạn cũng có thể đi sâu vào rừng và như lạc vào ngay một khu rừng nguyên sinh trong cổ tích.

Những gốc cây vài người ôm xòe tán che mát khắp con đường, chim hót líu lo, dây giăng khắp lối. Thỉnh thoảng lại bắt gặp nụ cười tươi roi rói của cư dân sống rải rác sâu trong rừng hoặc những chú kiểm lâm áo xanh đi kiểm tra. Họ sẵn sàng chỉ cho bạn tên gọi những loại cây, nơi nào có nhiều lan rừng, mai rừng, những con suối mát trong hay vài loại trái rừng có thể tìm thấy vào mùa này…

Tỉnh lộ 716 - con đường rừng vào xã Phú Lý

Phải vất vả từ chối “cám dỗ” của rừng tôi mới đến được xã Phú Lý. Ngay gần chợ Lý Lịch là một đoạn đường xôm tụ với những ngôi nhà quét sơn vàng, lợp tôn đỏ cùng kích cỡ nằm cận kề nhau. Người Châu Ro bây giờ không đóng khố ở nhà sàn nhưng vẫn giữ nét hồn hậu, hiền lành không thể nhầm lẫn. Tôi dừng xe trước một ngôi nhà. Mấy chị phụ nữ Châu Ro cười giòn tan như đã quen biết từ lâu lắm và thi nhau mời ở lại khi nghĩ tôi sẽ qua đêm nơi đây.

Người Châu Ro ở đây thường không theo tôn giáo đa thần truyền thống mà chỉ thờ Bác Hồ, ông bà tổ tiên như người Kinh và vẫn luôn bảo nhau giữ gìn truyền thống dân tộc cho con cháu mai sau. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy ngay trước cửa mỗi ngôi nhà thường có một tổ ong vò vẽ để xua đuổi tà ma và chữa bệnh. 

Một trong những chứng tích chiến tranh mà già làng Năm Nổi lưu giữ trong “bảo tàng” độc nhất vô nhị của mình

Người Châu Ro ở Phú Lý tự hào khi nhắc đến già làng Năm Nổi. “Trăm nghe không bằng mắt thấy”, già làng Năm Nổi 81 tuổi, có bộ râu được ví như suối rừng nơi đại ngàn khiến người ta không khỏi ngưỡng mộ khi được tiếp xúc trực tiếp. Ông kể người Châu Ro vốn theo chế độ mẫu hệ nên ông đã nhìn bông bí nở từ ngày ở rể để biết số tuổi, đến bây giờ những người con gái của ông lấy chồng cũng được cho một mảnh đất quanh đây làm ăn sinh sống. 

Dù luôn tự nhận mình già, yếu nhưng giọng nói ông vẫn nhịp nhàng lên xuống theo từng cao trào pha lẫn sự hài hước trong từng câu chuyện, và thoăn thoắt dắt tôi đi khắp nơi để tận mắt nhìn thấy “gia tài” của mình, mà đúng hơn đó là tài sản của cả dân tộc Châu Ro. Những câu mở đầu và kết thúc câu chuyện của ông luôn có cùng một nội dung: “Người Châu Ro có được ngày hôm nay là nhờ cả vào Nhà nước…”.

Sự tin yêu ấy còn được thể hiện qua từng ngõ ngách, vật dụng, hình ảnh trong ngôi nhà của ông. Giữa ngôi nhà khách là bàn thờ Bác Hồ với lá cờ đỏ thắm và chân dung, bức tượng của Bác, xung quanh là những tấm hình lưu niệm chụp với cán bộ lãnh đạo tỉnh, trung ương, đồng đội xưa và vô số bằng khen...

Già làng Năm Nổi trong “bào tàng” của mình Một trong những ngôi nhà của người Châu Ro xã Phú Lý với cùng kích cỡ: dài 10m, rộng 5m

Và không chỉ được biết đến như một người tiên phong trong phong trào đấu tranh cách mạng, góp phần bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nuôi giấu chiến sĩ, cán bộ, mà già làng Năm Nổi còn là người giữ gìn truyền thống văn hóa cho làng, cho dân tộc Châu Ro.

“Bảo tàng dân tộc của làng” là một ngôi nhà dài - nhà truyền thống của người Châu Ro được xây dựng gần 20 năm nay. Tại đây lưu giữ hơn 100 hiện vật là chứng tích chiến tranh và những sản phẩm văn hóa phi vật thể của đồng bào Châu Ro, như các loại nhạc cụ truyền thống, dụng cụ lao động, săn bắn, sinh hoạt: cồng, chiêng, kèn lá, kèn mô lúa, đàn concal…

“Già chỉ sợ một vài năm nữa khi già qua đời núi rừng sẽ đổi thay. Chứ già còn sống ngày nào nhất định sẽ làm gương cho con cháu một lòng theo Đảng, theo Nhà nước”, ông tâm sự. Tôi tin dân làng Châu Ro sẽ không bao giờ thay đổi và ông sẽ mãi là niềm tự hào không chỉ của dân tộc Châu Ro một đời theo cách mạng.

... Và tôi đã hẹn một ngày trở lại để được tắm trên dòng sông Sa Mách huyền thoại, dự những lễ hội của người Châu Ro và quan trọng hơn hết là lại cùng già làng Năm Nổi ôn lại lịch sử hào hùng mà ông là một trong những nhân chứng tiêu biểu nhất.

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
Vẻ đẹp ma mị của hoàng hôn và bình minh trên hồ Trị An
Săn bướm rừng Mã Đà
Những nơi trốn nắng lý tưởng ở miền Nam
Khám phá miền sơn cước Mã Đà hoang sơ
Những thác đẹp nhất Đồng Nai
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Làng bưởi Tân Triều - Đồng NaiHình ảnh Văn miếu Trấn Biên - Đồng NaiHình ảnh Khu du lịch Bửu Long - Đồng NaiHình ảnh Mộ cổ Hàng Gòn - Đồng NaiHình ảnh Hoàng hôn Trị An - Đồng Nai
Xem tất cả hình ảnh...