Hà Nội

Bài viết

Còn một Hà Nội xưa



Hình bài viết Còn một Hà Nội xưa
Lâu nay nói đến Thăng Long-Hà Nội ngàn năm người ta nghĩ nhiều về thành và thị của kinh đô xưa: khu hoàng thành và khu phố cổ, hay còn được gắn thêm tên gọi "36 phố phường".

Khu hoàng thành Thăng Long buớc vào thế kỷ mới lại phát hiện cả một quần thể di chỉ quý giá mà ngày nay chỉ còn chờ UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Còn khu 36 phố phường ở phía đông hoàng thành thì đã là di tích quốc gia và đuợc rất nhiều nhà khoa học, văn hóa trong và ngoài nước quan tâm.

Mới đây, vùng Ile de France, Pháp (nơi toạ lạc Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng ở Paris) đã triển khai dự án "Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp phía nam quận Hoàn Kiếm, Hà Nội". Đó là vùng đất phía nam hồ Hoàn Kiếm phân ranh bởi con đường trục từ Nhà hát Lớn qua Tràng Tiền - Hàng Khay - Trường Thi ra tới cửa Nam, đổ về phía nam  đến sát hồ Thiền Quang. Không gian này còn được phát triển thêm hai mảng bao quanh hồ Hoàn Kiếm, về phía đông (cho đến trụ sở UBND thành phố) và phía tây (cho đến nhà thờ Lớn và cuối đường Lê Thái Tổ).

Tổng thể không gian ấy là dấu tích hoàn chỉnh nhất của quá trình đô thị hóa "thời thuộc địa". Khái niệm thuộc địa (colinale) ở đây thoát ra khởi một thuật ngữ chính trị của một hiện tượng phi tiến bộ trong quan hệ giữa con người và giữa các dân tộc, mà nó chỉ mang nội hàm về một thời gian lịch sử, ở đó những yếu tố văn minh của phương Tây, và trực tiếp là của nước Pháp, được du nhập vào nước ta để lại một di sản kiến trúc đáng được coi trọng và học hỏi.

Trừ những không gian nằm sát hồ Hoàn Kiếm ghi nhận bước khởi đầu đô thị hóa ở cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 khi người Pháp đã làm chủ một thành phố nhượng địa (1888). Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã thúc đẩy quá trình này và tạo nên những phố đáp ứng yêu cầu cư ngụ và dịch vụ cho cộng đồng người Âu.

Sau khi cầu Long Biên (mang tên toàn quyền Paul Doumer) hoàn thành đầu năm 1902, Hà Nội chứng kiến một sự khởi phát mạnh mẽ bởi dòng người nhập cư từ nông thôn vào thành thị và từ chính quốc sang thuộc địa. Các khu phố cổ lúc này đã được cải tạo một cách khôn khéo trên cơ sở tôn trọng quy hoạch về không gian biểu thị bằng những tên gọi "hàng" phố nhưng hạ tầng kỹ thuật đô thị với đường, cống, rãnh, cột đèn là những yếu tố hoàn toàn mới mẻ tạo nên vẻ đẹp kết hợp cả yếu tố cũ và mới.

Một khu phố mới nữa cũng hình thành với một sự thận trọng vì chỉ dành cho giới thượng lưu cư ngụ là khu các biệt thự cao cấp và đặc sắc cận kề dinh toàn quyền, đó là không gian của quan chức thuộc địa...

Còn nét đặc sắc của không gian phía nam hồ Hoàn Kiếm thật sự trở thành một khu đô thị mới gắn với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai khởi đầu từ cách đây 90 năm (1918), tức là sau khi kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Trên không gian này, người Pháp đã từng tổ chức những công trình chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài.

Có thể kể đến các trường học chủ yếu của nhà thờ được xây từ cuối thế kỷ 19 như  Trường Puginier (nay là Trường Việt-Đức), Trường nữ tu Sainte Marie (nay là Bệnh viện Hai Bà Trưng), rồi Trường đại học Đông Dương (nay trên đuờng Lê Thánh Tông), khu nhà ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), gần đó là khu Đấu Xảo với những cuộc trưng bày đầu tiên từ năm 1884 dần dần hình thành cả một không gian kiến trúc hoành tráng của Bảo tàng Nông Thương, tồn tại cho đến khi máy bay đồng minh ném bom phá hủy vào những năm đầu Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngoài ra còn những không gian của thư viện (Tràng Thi), tòa án và nhà giam Hỏa Lò...

Nhưng điều đáng nói là sự hình thành một hệ thông giao thông từ rất sớm với nhà ga đầu mối ở Hàng Cỏ trở nên tấp nập sau khi con đường thông thương phía Bắc sang tới Vân Nam (Trung Quốc) và phía Nam đi dọc đất nước thông suốt từ 1936. Thêm những con đường tàu điện lấy trung tâm là bờ hồ Hoàn Kiếm đi chợ Hôm - chợ Mơ và đi ngang ga Hàng Cỏ lên Bạch Mai...

Tất cả công trình kiến trúc và hạ tầng giao thông nay được thực hiện khá hoàn thiện để đón cơ hội khi nhu cầu không gian đô thị đòi hỏi mở rộng thì toàn bộ khu nam Hoàn Kiếm được chia ô rất vuông thành sắc cạnh và khá đều đặn, tạo nên một không gian đô thị hoàn chỉnh, có có sở hạ tầng hoàn thiện và tạo sự lựa chọn cho những môtip kiến trúc thích hợp: hoặc hàng phố (Bà Triệu, Hàng Bài...), hoặc biệt thự (các phố ngang như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...).

Đề án của các bạn Pháp nghiên cứu rất kỹ tình trạng thành phố Hà Nội sau 1954 khi có chuyển đổi sâu sắc và mang tính đảo lộn về sở hữu và chủ nhân sử dụng không gian này. Nó đã làm biến dạng bởi sự thiếu thốn về vật chất và năng lực quản lý cũng như nhu cầu mở rộng không gian sống đi đôi với tình trạng tăng dân số mà không có giải pháp hướng dẫn...Tất cả khiến chỉ sau hơn nửa thế kỷ nó đã làm mất gần hết những giá trị chỉ mới được xây dựng từ nửa thế kỷ trước đó.

Dẫu sao, phân tích cho kỹ thì đây vẫn là một không gian giàu giá trị bảo tồn như một sự bổ sung cho vẻ đẹp của toàn bộ Thăng Long-Hà Nội. Hơn thế, nó cũng rất giàu tiềm năng để phát triển, vừa cải tạo nhũng cái xấu, cái dở của quá khứ, vừa mở rộng không gian theo chiều thẳng đứng một cách hợp lý một số tuyến đường.

Hôm nay, đi trên những con đường thẳng đẹp của không gian này, đừng quên duới lòng đất chính là những dấu tích của phủ chúa tráng lệ một thời, của Trường Thi ồn ào náo nhiệt sĩ tử vài năm một kỳ thi, Tòa tháp Báo Thiên uy nghi qua nhiều thế kỷ, chùa Báo Ân mới xây chưa được bao lâu đã tàn lụi... Vậy mà mới qua một thế kỷ, dấu tích xưa đã chẳng còn mấy đỗi. Cảm nghĩ về sự đổi thay, về sự hưng suy của các triều đại, nhưng trên hết là sự đòi hỏi tiến bộ của cuộc sống qua mọi đổi thay.

Cái di sản của thời đại xa xưa ấy chỉ còn lại một nỗi nhớ tiếc (nostalgy) để chấp nhận di sản của ngày hôm nay. Nó sẽ không chỉ là những công trình đã được xây dựng mà còn là tầm nhìn của những nhà quy hoạch, bài học rất thiết thực trong bối cảnh Hà Nội bắt tay vào mở rộng với những mặc cảm cay đắng của cái nghịch lý: Hình như cái gì Tây làm ngày xưa vẫn tốt hơn ta làm ngày nay (!).

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
Những tuyến phố có vỉa hè đẹp ở Hà Nội
UBND Hà Nội và VNA hợp tác quảng bá du lịch năm 2017-2021
Những ngôi chùa linh thiêng để cầu may ở Hà Nội
Những địa điểm đi trốn tuyệt đẹp gần Hà Nội
Check-in tại khu vườn Disney ngay ngoại ô Hà Nội
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Hanoi Cathedral - Hà NộiHình ảnh Hoan Kiem Lake in Hanoi - Hà NộiHình ảnh Ngoc Son Temple - Hà NộiHình ảnh Chuong Duong Bridge - Hà NộiHình ảnh Hanoi-Puppettheatre - Hà Nội
Xem tất cả hình ảnh...