Đại học Cambridge

Hình ảnh

Hình ảnh Toàn cảnh phía trước đại học Cambridge - Đại học CambridgeHình ảnh Đại học Cambridge lúc còn sương - Đại học CambridgeHình ảnh Khuôn viên đại học Cambridge - Đại học CambridgeHình ảnh Đại học Cambridge ở một góc chụp khác - Đại học CambridgeHình ảnh Đại học Cambridge từ trên cao - Đại học Cambridge
Xem tất cả hình ảnh...

Thông tin


Năm 2008 sẽ là thời gian chuẩn bị đầy hào hứng của những người dân Cambridge trong chiến dịch kỷ niệm 800 năm trường đại học Cambridge. Lời kêu gọi: “Hãy có những ý tưởng lớn từ những những việc làm nhỏ” được đề cập đến trong bài phát biểu trước chiến dịch này của bà Phó hiệu trưởng dường như không chỉ dành cho các sinh viên nơi đây...


Ra ngõ gặp tiến sĩ


Sải bước trên những con phố lát đá hộc xanh bóng và cổ kính, bạn sẽ luôn luôn bắt gặp bóng những chiếc áo thụng của các vị tiến sĩ, giáo sư đang mải miết sau cửa kính phòng thí nghiệm hay thấp thoáng bên cổng trường đại học lâu đời. Không có một quy định nào, nhưng đi ngang qua một vị giáo sư mặc comple đuôi tôm với chiếc mũ rất Ăngle trên đầu, bạn – dù chỉ là một du khách cũng sẽ vô thức chậm bước và hơi cúi mình. Có lẽ đó là cảm giác tôn thờ trí tuệ trong không khí bác học của thành phố đã vô tình xuyên thấu bạn...

Được thành lập từ năm 1209, hệ thống đại học Cambridge có 31 trường cùng hàng nghìn chuyên ngành đào tạo khác nhau. Mỗi năm, có hàng trăm tiến sĩ và thạc sĩ thành đạt từ nơi đây. Những buổi lễ trao bằng long trọng và xúc động được diễn ra định kỳ vào các tháng nhất định của mỗi quý và tuỳ vào thời gian lựa chọn của từng vị tiến sĩ. Họ là niềm tự hào và danh dự của người dân, nhưng họ cũng chính là những trí tuệ tuyệt vời mà nền giáo dục Cambridge đã khai sáng và nuôi dưỡng. Họ là một phần của Cambridge.

Trân trọng trí tuệ

Chuyện 1: Các tân tiến sĩ đang vui vẻ, ồn ào chụp ảnh sau buổi lễ trao bằng chợt ắng lại, những ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục của họ lần lượt dõi theo một người đàn ông cao lớn đang rảo bước trên thảm cỏ xanh mướt trong sân trường đại học... Tấm bằng nhỏ với dòng chữ bên rìa thảm cỏ: “Chỉ dành cho các giáo sư” chính là lời giải thích. Nếu như bạn là du khách, là sinh viên, thạc sĩ hay tiến sĩ, nhưng chưa phải là giáo sư giảng dạy trong những ngôi trường này thì bắt buộc bạn sẽ phải đi vòng trên đường sỏi. Chỉ những vị giáo sư đáng kính mới có thể cắt ngang qua bãi cỏ như thể...

Chuyện 2: Khi được hỏi ăn trưa ở đâu, các sinh viên sẽ cực kỳ hãnh diện trả lời: “Mình dùng bữa trong phòng Newton”. Nơi đây 500 năm trước, sau những giờ lên lớp, Newton thường dùng các bữa ăn cùng bè bạn. Và giờ đây, dù du khách có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không được vào, nhưng các sinh viên của ngôi trường này lại chỉ phải bỏ một khoản tiền rất nhỏ và xuất trình card sinh viên là đã có thể ngồi ăn đối diện bức chân dung vĩ đại của Newton cùng các nhà khoa học lừng danh khác. Đơn giản vì họ đã nỗ lực học hành, nghiên cứu và trở thành sinh viên của ngôi trường danh giá, nơi Newton từng học tập. Đó là phần thưởng tinh thần rất vinh hạnh của họ...

Ở Cambridge có vô vàn những đặc quyền nho nhỏ và sự trân trọng thú vị như vậy. Đó cũng là điều khích lệ các tiến sĩ trẻ, những người đã bước đầu thành đạt vẫn tiếp tục dốc sức học tập và nghiên cứu... Bởi vì ở đây, lao động có ích và trí tuệ bao giờ cũng được tôn thờ và tạo hết mọi điều kiện để phát huy.

Những Quỹ học bổng, những Trung tâm nghiên cứu...


Đánh dấu sự kiện lịch sử đáng nhớ kỷ niệm 800 năm trường Đại học Cambridge, một chiến dịch gây quỹ trị giá 1 tỉ bảng Anh nhằm lưu giữ danh tiếng ưu việt của Cambridge cho tương lai đã được phát động. Một Website cũng được thiết lập nhằm cung cấp thêm thông tin về các mục tiêu của chiến dịch và đưa ra những cách mà bạn có thể giúp Cambridge đạt được mục đích đầy tham vọng đó.

Tháng 12 cũng là tháng khai mạc Trung tâm Wellcome Trust nghiên cứu tế bào nhân. Trung tâm mới này đã tập hợp được 200 nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong cùng một môi trường điều kiện làm việc. Sáng kiến này xuất phát từ những khám phá ở Cambridge. Những nghiên cứu này giờ đây mang lại cách nhìn mới sâu sắc, thấu đáo về sự phân chia của tế bào và sự phát triển của sự sống. Mọi kế hoạch đang được chuẩn bị để đưa nghiên cứu này ra ứng dụng trong y học, là tiềm năng để chữa các bệnh thoái hoá thần kinh, ung thư máu và mô.

Khoa học không bao giờ giới hạn khả năng mở rộng, khoa học tự nhiên và cả khoa học xã hội. Mùa xuân này, Quỹ Mellon cũng dành cho Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật, Khoa học Xã hội và Nhân văn Cambridge khoản tiền lớn cho việc hợp tác quốc tế trong 5 năm, nghiên cứu sự đổi mới quy luật trong những đặc tính của con người: khảo sát tỉ mỉ sự chuyển giao văn hoá trong lịch sử và giữa các dân tộc ngày nay. Được thành lập năm 2001 như một chất xúc tác cho cách suy nghĩ đổi mới và liên quan tới nhiều lĩnh vực học thuật, Trung tâm đã thực sự hội tụ được các viện sĩ - từ những sinh viên mới tốt nghiệp cho đến những giáo sư xuất sắc nhất – cũng như các nhà hoạch định chính sách và những người có đóng góp cho nghệ thuật.

Những quỹ học bổng khổng lồ luôn dành cho các cá nhân với công trình nghiên cứu thiết thực và phục vụ hữu hiệu nhất cho cuộc sống con người.

... và những ước nguyện


Trung tâm của trường King’s College, ngôi trường cổ nhất Cambridge có một Phòng Cầu nguyện. Mỗi người đến đó đều tự nguyện bỏ 20 xu vào chiếc hộp gỗ nâu bóng, thắp một ngọn nến và viết lời cầu nguyện của mình vào miếng giấy nhỏ đặt sẵn trên bàn. Những mái tóc vàng, nâu, đen, những màu da khác nhau, những học sinh đáp chuyến tàu cao tốc từ Paris, những vị phụ huynh rời Mỹ, Canada tới đây sau 15 tiếng đồng hồ trên máy bay hay những du khách từ tận châu Á xa xôi... tất cả đều thành kính trong căn phòng đọng đầy ước mơ. Cuối mỗi năm, những lời cầu nguyện đó được tập hợp lại và đóng thành một cuốn sách... Và điều thú vị là phần lớn những ước mong cho bản thân hay cho bạn bè, cho những người thân đều hướng đến tương lai được may mắn học tập tại một trong những ngôi trường danh tiếng nhất trên thế giới của Cambridge.

Còn tôi, tôi đã ước mơ gì? Tôi bỏ vào chiếc hộp nhỏ nhiều hơn rất nhiều 20 xu, thật nhiều ngọn nến để hy vọng ước mong của tôi sớm thành hiện thực. Và tôi viết... Cầu cho một ngày không xa, những người đứng quanh tôi đây hoặc con cháu họ sẽ tới một trường đại học trên đất nước Việt Nam thân yêu của tôi... rồi họ sẽ viết lời nguyện cầu, viết ước mơ cháy bỏng được học tập tại ngôi trường đó. Chẳng biết có viển vông không, nhưng ước mơ thì không bao giờ có giới hạn. Vậy tại sao tôi lại không mơ ước về một ngôi trường, một thành phố nghiên cứu khoa học lừng danh như thế ở Việt Nam chứ!


Theo Báo “Khoa học và đời sống” số 16, 17, 18, 19 Tết Mậu Tý 2008
Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Đại học Cambridge