Thành Hoàng Đế

Hình ảnh

Hình ảnh Anh 3 - Thành Hoàng ĐếHình ảnh Anh 1 - Thành Hoàng ĐếHình ảnh Anh 2 - Thành Hoàng Đế

Thông tin


Thành cổ, làng cổ, chùa cổ, tất cả quây quần bên nhau trong bán kính vài cây số tại khu vực An Nhơn - Bình Định như níu bước chân người tìm lại vết tích xưa.

Hai chú voi đá đứng sừng sững trước cổng thành Hoàng Đế là chứng tích còn lại của thành Đồ Bàn – kinh thành của người Chăm xây dựng năm 982.

Giữa trưa tháng 5 dưới nắng hè gay gắt, vừa thoát qua khu công nghiệp Gò Đá Trắng với bụi đất mịt mù, người ta không thể không ồ lên kinh ngạc khi bắt gặp hai chú voi đá án ngữ ngay lối vào thành Hoàng Đế.

Có một con voi rất lạ, đầu voi được khắc trang trí như một vành hoa. “Có lẽ đây là con voi cái”, anh bạn đi cùng sau một hồi săm soi đưa ra nhận định như vậy. Đôi voi đứng cách nhau hơn 20 mét, một hướng về đông, một hướng về tây trước cổng thành hướng theo trục chánh nam.

Cách thành phố Quy Nhơn 20 cây số, thành Hoàng Đế ngày xưa bây giờ thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn – Bình Định. Thành cổ đã chìm sâu dưới đất, khuôn viên còn mấy đoạn tường đá ong cỏ lấp bìm leo. Cổng thành vừa được tỉnh Bình Định xây mới, màu gạch màu vôi sáng rực tương phản với rêu phong cũ kỹ của những đoạn tường còn lại thuộc khuôn viên lăng mộ thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.

Trong lăng còn chiếc lầu bát giác cổ kính, trong lầu còn tấm bia đá khắc công tích của hai vị anh hùng tuẫn quốc (năm 1800). Bia bằng đá trắng, chịu nhiều gió bụi thời gian đến nay đã mòn cả những chữ Hán khắc trên đó.

 Thành Hoàng Đế là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm 3 vòng thành: thành ngoại, thành nội và Tử Cấm thành. 4 cạnh phân bố theo đúng 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Chu vi thành ngoại 7.400m. Bên trong là Tử Cấm thành có tổng diện tích 21.600m2 nằm ở trung tâm của thành Hoàng Đế

Trước lúc chúng tôi đến, có đoàn nghiên cứu đã đến đọc tấm bia này, người ta dùng bột màu quét lên mặt bia để tìm vết tích chữ Hán, nhưng cũng lờ mờ hiện lên được nửa bia phần trên, phần dưới hoàn toàn mất hẳn.

Một con lân đá còn sót lại trước sân lăng, hướng mặt về bắc nhìn bức bình phong mấy trăm năm nắng gội mưa nhòa. Bức tường sau lăng mộ đã xiêu xiêu sắp ngã ra sau.

Trên tấm bình phong còn nét chạm hoa văn tinh xảo hình con long mã đội hòm thư và đôi câu đối đã mờ tróc đến mức phải lần tay theo từng kẽ khắc mới đọc được: “Tam tải cô thành thân hứa quốc; lưỡng gian chính khí điện hành thiên”.

Tần ngần trước thành quách cổ xưa, nhớ lại bao vương triều từng thịnh suy tiếp biến nơi đây. Năm 982 người Chăm từ Quảng Nam vào đây dựng thành Đồ Bàn, đến năm 1471 thì Thành Đồ Bàn bị phế. Mãi khi Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc xây thành Hoàng Đế trên nền thành Đồ Bàn vào năm 1776.

Con voi đá được trang trí trên đầu Vườn tháp sau chùa Thập Tháp

Theo các sách nghiên cứu về Chămpa thì Nguyễn Nhạc là người đã giữ lại các con vật bằng đá trang trí của người Chăm trong thành bố cục Hoàng thành mới của mình.

Năm 2004, Viện khảo cổ học và Bảo tàng Bình Định đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại thành Hòang Đế, làm phát lộ một hồ bán nguyệt nơi bên phải lấu bát giác, hiện di tích này được che giữ bằng 1 mái tôn.

Rời thành Hoàng Đế đi về hướng đông, chúng kiến ngọn tháp Cánh Tiên sừng sững giữa một vùng cây xanh bát ngát. Ngọn tháp này cũng là một trong những dấu tích của thành Đồ Bàn còn sót lại đến ngày nay.

Theo đường mòn quanh co trong xóm, đi về hướng bắc mới thấy mình lọt vào ngôi làng cổ có tên Bắc Thuận, làng Nam Tân nằm kế bên cùng thuộc xã Nhơn Hậu và tiếp nữa là làng Bả Canh thuộc thị trấn Đập Đá.

Đây là ba ngôi làng cổ xưa nhất ở đất này. Tuổi làng có từ thời thành Đồ Bàn xây dựng, nguyên là làng Chăm, nhưng tên làng đã mang chữ Hán do đổi thay từ thời chúa Nguyễn vào nam.

Đường làng cổ Bắc Thuận
Đường làng quanh co bao bọc bởi lũy tre xanh, địa hình đồng bằng nhưng lại có đồi dốc gập ghềnh, một chiếc cổng tre theo phong cách cổ, một liếp rào bằng tre đan chỉ có ở vùng này khiến ta bồi hồi như thể đang ngược về miền cổ đại xa xăm.

Từ xã Nhơn Hậu đi tiếp đến nữa sẽ sang xã Nhơn Thành kế bên, nơi đây có ngôi chùa Thập Tháp nổi tiếng cả miền trung. Chùa cổ nhất Bình Định, xây dựng từ năm 1665, thời chúa Nguyễn mới vào nam lập nghiệp.

Chùa xây bằng gạch nung, vườn tháp rất uy nghiêm, trầm mặc. Trước chùa có ao sen rộng, gốc dương liễu cổ thụ bên cổng tam quan chừng như đã chứng kiến mấy phen nhân quả luận hồi nên gốc rễ sần sùi và cành lá cũng thưa đi nhiều lắm.

Chùa Thập Tháp từng là nơi lui tới của giới nghiên cứu và là điểm dừng chân của nhiều Tour du lịch miền trung.

Rời đất An Nhơn, tự nhiên thấy trong mắt mình chỉ còn một màu xanh của cây cỏ dưới chân tháp Cánh Tiên. Tự nhiên nhớ lại mấy câu thơ của Trương Nam Hương:
“Lịch sử bước chân qua những vương triều vong thịnh
Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính
Cỏ công bằng nhân ái, thản nhiên xanh”

Theo dulich.tuoitre.com.vn

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Bãi tắm Hoàng Hậu Tháp Bánh Ít Bảo tàng Quang Trung
Gềnh Ráng Đảo yến Quy Nhơn Eo Gió
Tháp Đôi Hầm Hô Hồ Núi Một
Chùa Thập Tháp Tháp Cánh Tiên Chùa Long Khánh
Thành cổ Hoàng Đế Tháp Dương Long Suối nước nóng Hội Vân
Xem tất cả địa điểm...