Phượng Hoàng trấn

Hình ảnh

Hình ảnh tc1 - Phượng Hoàng trấnHình ảnh rhn7 - Phượng Hoàng trấnHình ảnh 40cohuonghuyentrang - Phượng Hoàng trấnHình ảnh tc3_jpg - Phượng Hoàng trấn

Thông tin


Phượng Hoàng là tên một cổ trấn khá đẹp của Trung Quốc nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam. Cũng như nhiều cổ trấn trứ danh khác của đất nước Trung Hoa, địa danh  này được bảo tồn rất tốt cả về giá trị lịch sử và văn hóa. Lang thang không ngừng nghỉ suốt ba ngày dừng bước ở Phượng Hoàng, tôi đã vội vã như sợ mình sẽ bỏ sót một góc tường rêu phong nào đó...

Vào đời Minh - Thanh, nơi đây từng là trung tâm quân đội, chính trị, văn hóa và kinh tế của cả vùng. Thành cổ bên bờ sông Đà Giang này có tuổi đời hơn 1.300 năm và là nơi cư trú của nhiều dân tộc Miêu, Hán, Thổ Gia…

Hiện Phượng Hoàng cổ trấn có hai di tích cấp quốc gia là cổng Bắc và bức tường thành phía nam, vốn là hai dấu tích tuyệt vời nhất về sự “trơ gan cùng tuế nguyệt” của cổ trấn cùng 85 di tích cấp tỉnh khác. Những dãy phố, những căn nhà cổ, hậu cung, gia trang, văn miếu, đền chùa… và cuộc sống tự nhiên mộc mạc của cổ trấn hài hòa pha trộn vào nhau bất kể tháng ngày, bất kể nắng mưa, bất kể kẻ đến người đi, tạo cảm giác quá đỗi thơ mộng và bình an.

Phòng tôi trên tầng 3, có cửa sổ nhìn ra bờ sông. Đêm đầu tiên ở Phượng Hoàng giấc mơ tôi đầy những ánh đèn màu lấp lánh được trang trí viền theo phù điêu phượng hoàng, những mái nhà cong cong, hàng hiên, lan can, gầm cầu hay dọc bức tường thành của cổ trấn.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng chày đập quần áo khi trời vẫn còn mờ hơi sương. Thật thú vị khi ở một cổ trấn mà danh tiếng về du lịch của nó đã lan đi khá xa này, người dân tộc ở đây vẫn đang giữ lại cho mình những nét sinh hoạt rất riêng và xưa cũ.

Phía bên kia bờ sông, một dãy nhà tắm công cộng nép dưới chân một con đường, một vài người đàn ông đang tắm sông, hồn nhiên như cây cỏ. Tiếng khỏa nước nho nhỏ của những người bơi sớm, bóng họ nhấp nhô giữa dòng sông trong trẻo. Những gánh rau củ kĩu kịt qua cầu, dường như có tiếng ngày mới đang chuyển mình rất khẽ dưới màn sương.

Bức tường thành phía nam

Lấp lánh sắc màu

Hồng Kiều duyên dáng

Tiếng nhạc budda tha thiết khi tôi đứng lặng bên cửa sổ ngắm nhìn Phượng Hoàng cổ trấn. Trời lất phất mưa, những đám mây sẫm màu che khuất dải núi xa xa, dăm đám mây trắng đi rong cũng lúc mờ lúc tỏ. Cổ trấn chìm vào thứ màu nước bàng bạc, gió đưa đám hơi lạnh run rẩy trên tán lá, những mái ngói âm dương rêu phong ủ rũ, những bức tường phẳng nhiều ô cửa ỉm im, dàn lồng đèn đã bạc màu vì sương gió…

Không gian diệu vợi kéo tâm trí khách lữ hành về một thời xa xưa trong những thước phim cổ trang. Chốn phồn hoa có tiếng ngựa xe lách cách, tiếng hát tuồng cao vút ngân nga, tiếng mõ “củi lửa” đêm hoang lạnh, lẫn vào tiếng bước chân vội vàng trên vỉa hè lép bép nước mưa…

Trời sáng hơn. Đường phố trở nên vui mắt bởi những chiếc ô nhiều màu loang loáng nước. Chúng tôi rời khách sạn và ghé vào một quán ăn nằm bên này bờ Đà Giang, bên kia sông là bến thuyền sông Tương nằm dưới chân cửa thành, ấy cũng là nơi có tiếng trẻ con học bài đang đồng thanh lảnh lót, khiến tôi thấy lòng mình như chùng lại bởi những ký ức ấu thơ ùa về.

Hồng Kiều lộng lẫy trong đêm
Một góc Phượng Hoàng
Phố cổ

Cũng giống như nhiều quán xá khác ở Phượng Hoàng, nơi chúng tôi đến có vị trí ngắm cổ trấn rất đẹp, có phục vụ ẩm thực của người Miêu, có những tấm treo bằng gỗ mỏng manh để khách du lịch qua đây lưu lại dấu tích.

Bờ tường của quán và những cây cột gỗ chi chit giấy đính, được đóng vững chắc bằng đinh tán, phần lớn là được viết bằng chữ tượng hình của người Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Chúng tôi cũng hý hoáy viết vài dòng, với hi vọng biết đâu sau này con cháu mình có tới đây sẽ tìm thấy… Ý nghĩ ấy khiến cả nhóm bật cười sảng khoái.

Nơi ấy rất bình yên
Buổi học vẽ ngoại khóa của học sinh trung học

Cửa thành

Thời tiết hơi ửng lên, phố xá bắt đầu đông người qua lại. Phần lớn là người bản địa, khách du lịch trong nước, lác đác một vài du khách nước ngoài. Ai cũng thong thả tản bộ trên vỉa hè dọc bờ sông, nơi mà chỉ một đoạn sông dài chưa tới 1km đã có tới hàng chục cây cầu bắc qua dòng.

Một vài cây cầu trong số đó cực kỳ đặc biệt. Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc cầu có mái che, một chiếc cầu - nhà, được thiết kế theo phong cách “Phượng Hoàng” đặc trưng của cổ trấn. Một cây cầu gỗ ghép cong như một dải lụa mềm dưới chân một đoạn thác lùn róc rách, một bên còn có chiếc cọn nước rêu phong quay nhịp nhàng suốt đêm ngày. Đặc biệt nhất là cây cầu được đổ trụ bằng những cột đá theo nhịp bước chân, có hai luồng đi cho hai chiều ngược nhau, cách đó không xa là một cây cầu gỗ khác gồm những đoạn cầu bắc qua mố trụ đứng chênh vênh, bề rộng chỉ chừng hơn nửa mét.

Có cảm giác có thể ngồi hàng giờ bên bờ sông như những học sinh tiểu học, trung học của Phượng Hoàng trong giờ học vẽ ngoại khóa mỗi buổi chiều, để được ngắm cuộc sống êm đềm đang lướt qua trên những cây cầu kia, xa xa là những chùm đèn lồng đung đưa, lấp lánh sáng lên khi màn đêm buông xuống.

Tôi còn đi qua lại hai bên bờ sông nhiều lần mỗi ngày, chỉ để ngắm người Miêu bên mẹt hàng nhỏ thêu thùa khâu vá hay làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng bạc rất khéo léo. Hay gặp người Hán đi lang thang bán cho du khách những chiếc vòng hoa đeo cổ, đội đầu xinh xinh. Hoặc người Thổ Gia làm đèn hoa bằng giấy với nhụy là một cây nến nhỏ, để ai đó có thể đốt lên ước mơ của mình và thả xuống dòng sông êm đềm.

Nhiều du khách thuê một cuốc thuyền nhỏ để được thả mình chìm vào chốn bình yên, cùng người lái đò chèo thuyền qua những gầm cong thơ mộng của Hồng Kiều, lướt giữa đôi bờ cổ trấn dày đặc những căn nhà có kiến trúc truyền thống đã nhuốm màu thời gian, để khi đêm xuống ngỡ như thể mình đang lạc giữa một giấc mơ lung linh sắc màu.

Ban đầu Phượng Hoàng chỉ là một thành cổ nhỏ nằm về một phía của bờ sông. Theo thời gian, người địa phương chuyển sang sinh sống ở cả hai bên bờ, khiến dòng sông trở thành một điểm nhấn đặc biệt của thành.

Đà Giang không quá sâu, đáy sông có nhiều tảo và rêu tạo cho mặt nước một màu xanh lục. Điểm thú vị ở chỗ dân trong thành thường ra bờ sông để tắm táp, giặt giũ, rửa rau, hoa quả trước khi đem bán ngoài chợ hoặc quanh phố cổ dù trong nhà cũng có phòng tắm riêng. Có hệ thống dẫn nước, có máy giặt nhưng chỉ dùng để vắt đồ. Và dường như tắm sông vào mỗi sáng hay mỗi chiều đã trở thành một nghi thức quen thuộc của người dân địa phương chốn này.

Từ cây cầu lớn nối hai bờ sông Đà dành cho xe cơ giới, Phượng Hoàng cổ trấn trải dài ngút tầm mắt với những mái ngói cổ âm dương dày dặn xám như đá tai mèo. Những phù điêu trên đầu mái cong vút một cách kiêu hãnh, như một niềm tự hào sâu sắc về một cổ trấn có tuổi đời 1.300 năm.

Tôi lang thang không ngừng nghỉ trong ba ngày dừng bước ở Phượng Hoàng, vội vã như thể mình sẽ bỏ sót một góc tường rêu phong nào đó. Chiều nào tôi cũng leo lên bức tường thành cổ, đi qua đi lại những cổng thành vẫn còn vẹn nguyên và kiên cố, để được ngắm Phượng Hoàng từ trên cao, ngắm những ngõ phố lát đá xinh xắn, lúc trầm tĩnh, lúc xôn xao, lúc vắng bóng khách vãng lai, lúc lại đầy ắp bọn trẻ con tan học, có bố mẹ đi đón về, vai đeo cặp sách, tay cầm đồ ăn…

Những khoảnh khắc thật yên bình!

Từ Nam Ninh, du khách có thể mua vé tàu số hiệu 2012 để tới ga Cát Thủ. Xuống ga là có xe buýt đi Phượng Hoàng chờ sẵn, khoảng cách chừng 55km, giá vé là 15 tệ (khoảng 32.000 VND/khách). Di chuyển bằng phương tiện công cộng khá thuận lợi, tuy nhiên nên có người phiên dịch để giao tiếp bằng tiếng Hoa.

Nhà nghỉ, khách sạn ở Phượng Hoàng dao động từ 40-70 tệ/phòng đôi, đồ ăn phong phú và đa dạng, các cửa hàng bán đồ tiêu dùng và lưu niệm rất nhiều.

Ít nhất cũng phải dành từ 2-3 ngày để khám phá cổ trấn cấp tỉnh số 1 của Trung Quốc này. Và nên dậy thật sớm với tiếng chày đập áo, thức thật khuya với ánh đèn màu lấp lánh trong đêm…

Theo tuoitreonline

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Bản đồ

Nhúng bản đồ này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Bắc Kinh Thượng Hải Quảng Châu
Thâm Quyến Tây An Hàng Châu
Vân Nam Tứ Xuyên Tây Tạng
Quế Lâm Nam Kinh Macau
Thiên Tân Trùng Khánh Phúc Kiến
Xem tất cả địa điểm...