Công viên quốc gia Pilanesburg

Hình ảnh

Hình ảnh 138265688_44f839bdfe - Công viên quốc gia PilanesburgHình ảnh 1423021546_daecfdd877 - Công viên quốc gia PilanesburgHình ảnh 2373089477_f819db19a0 - Công viên quốc gia Pilanesburg

Thông tin


Thám hiểm rừng châu Phi

Những thú hoang lang thang trong rừng. (Tuổi Trẻ)

Sương mù chưa tan, chiếc Toyota hai cầu vượt địa hình 10 chỗ ngồi, mui bạt phong trần đã đến cổng khách sạn để đón chúng tôi thực hiện chuyến thám hiểm công viên quốc gia Pilanesburg. Đây là công viên quốc gia lớn thứ tư ở Nam Phi, rộng hàng chục nghìn kilômet vuông, cách Johannesburg 200 km.

Do xe không thiết kế cửa để người đi có cảm giác đang sống giữa thiên nhiên nên cô Lelone, nữ lái xe xinh đẹp của chuyến thám hiểm - phát cho mỗi người một chiếc mền dày: “Trời khá lạnh, vào rừng trời còn lạnh hơn!”. Ai cũng phải ký tên mình vào quyển sổ như xác nhận tự nguyện chấp thuận chuyến đi rừng này. Lelone bảo: “Tuyệt đối không ai được ra khỏi xe trong bất cứ tình huống nào”.

Rừng châu Phi không rậm và ẩm thấp như rừng nhiệt đới Việt Nam, địa hình tương đối trống trải và chủ yếu là những bụi rậm. Vậy mà Lelone cho biết nơi đây có hầu hết các loại động vật hoang dã của châu Phi như hà mã, sư tử, hươu cao cổ, ngựa vằn, tê giác trắng, trâu nước..., chỉ riêng voi đã có đến 1.600 con.

Pilannesburg không chỉ là nơi bảo tồn lớn của loài voi rừng châu Phi, mà còn là nơi cung cấp, gầy dựng giống mới cho các khu bảo tồn khắp châu lục bởi nó là “ngôi nhà lớn” của 8.000 loài động vật hoang dã và 350 loài chim.

Lelone quả là một người “hoa tiêu rừng” chuyên nghiệp, cô vừa lái xe, vừa liên tục liên lạc qua bộ đàm với “tổng hành dinh” để được hướng dẫn định vị những nơi tình nghi có thú rừng và giải đáp những thắc mắc cho dù đó là những câu hỏi sâu về động vật, sinh thái hay địa lý, thổ nhưỡng. Có ai đó la lớn: “Có thú rừng ngay bên vệ đường!”.

Lelone lập tức gài số lùi trở lại vạt rừng thưa. Quả nhiên không thể tin được: hai mẹ con tê giác trắng đang nô đùa bên đường, cách chúng tôi chỉ vài mét. Tê giác mẹ to lớn nặng cả tấn, thân hình bằng phân nửa chiếc xe đi rừng của chúng tôi, thản nhiên giương mắt nhìn những kẻ “phá bĩnh” buổi sáng tinh mơ.

Xe vừa chạy qua một quãng rừng thưa, Lelone cho xe thắng gấp trước một đoàn xe đang nối đuôi nhau đứng bất động. Giữa rừng mà cũng kẹt xe sao? Thì ra cả hàng chục chiếc xe địa hình tắt máy xếp hàng và chờ xem hai chú sư tử - “quốc vương của bụi rậm rừng châu Phi” - đang... giao hoan.

Không một tiếng động, không một câu nói, những toán đi rừng nhẫn nại ngồi yên trên xe và chờ đợi trong tiếng gầm rú khủng khiếp của hai con sư tử ở cách đó chỉ vài mét. Có xe đã dừng tại đây hàng giờ đồng hồ để chờ diện kiến “quốc vương”, thậm chí có người còn “bất động qua đêm” để một lần trong đời thấy được sư tử ở khoảng cách 2m mà không có phương tiện bảo hộ. Đó mới chính là cái thú của những chuyến thám hiểm rừng châu Phi.

Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến kỳ thú khác khi bỗng dưng trên đường xuất hiện chú hươu cao cổ lững thững đi ngang đường ngay trước mũi xe hay những đàn ngựa vằn ngộ nghĩnh đang tung vó ngay bên cạnh, còn phía xa xa những đàn voi châu Phi lừng lững bước đi mặc cho những chiếc xe thám hiểm chạy gần bên cạnh.

Thú hoang ở đây đã thích nghi với sự hiện diện vô hại của con người quanh nó. Từ phía dưới triền núi kín đáo xuất hiện những căn nhà lều bằng rơm kiểu Kraal - đặc trưng kiến trúc của bộ lạc Zulu. Người hướng dẫn cho biết đó là khu biệt thự nghỉ ngơi, tham quan cho những người thích sống với thiên nhiên hoang dã...

"Thành phố trong rừng”

Tất cả bản đồ du lịch đều ghi đậm địa danh Sun City. Ban đầu ai cũng nghĩ đó là một thành phố bình thường với cư dân, công sở như bao đô thị hiện đại khác ở Nam Phi.

Thế nhưng khi người lái xe dừng lại và cho chúng tôi biết: “Đã đến thành phố Mặt trời, dừng lại mua vé!”, hóa ra đó là một điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất châu Phi (đông bắc tỉnh North West).

Sun City nổi tiếng không chỉ vì hệ thống khách sạn năm sao liên hoàn với khu phức hợp casino, nhà hàng, siêu thị, ngân hàng, sân golf, rạp hát, thư viện... được thiết kế bên dưới mô hình tòa thành cổ đã từng xuất hiện và biến mất trong lịch sử châu Phi, mà cứ mỗi chiều du khách lại được xem màn “big show” đứng tim: động đất - nguyên nhân làm cho thành cổ biến mất từ hàng ngàn năm trước.

Thành phố này còn nổi tiếng vì được xây dựng giữa một khu rừng già nhiệt đới với những thác nước ầm ào ngày đêm, những con sông dài, những bờ biển hẹp rì rào..., tất cả đều nhân tạo.

Năm 1979, Nam Phi quyết định biến miệng núi lửa khu vực Sun City thành một điểm du lịch có một không hai trên thế giới. Từ vùng đất cằn cỗi, hoang vu, người ta huy động từ khắp Nam Phi mang về đây 1,6 triệu giống cây, từ bao báp, thiết mộc, tuyết tùng cho đến gõ vàng, dẻ cape...

Những con sông được đào uốn lượn, những bãi biển được phủ cát nguyên bản của vùng biển Ấn Độ Dương và những dòng thác cao hàng chục mét được thiết kế bằng đá mang từ vùng Đại Thạch Sơn dốc đứng về tạo thành một cánh rừng cổ kính bao bọc “thành phố đã mất”. Ngay “điểm nhấn” là khách sạn năm sao The Palace với 338 phòng thượng hạng cũng được thiết kế một màu nhạt nhòa của quá khứ: lối vào phòng ngủ đi qua một “khu rừng” với những cây cổ thụ và tiếng chim rừng hót líu lo.

Đang giữa mùa thu se lạnh mà Sun City chật cứng du khách, họ sống trong rừng nhân tạo với tiêu chuẩn năm sao mà chẳng khác mấy so với rừng nguyên sinh!

Theo Tuổi Trẻ

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Công viên quốc gia Pilanesburg