Bãi Đá Cổ

Hình ảnh

Hình ảnh Bãi Đá Cổ - Bãi Đá Cổ

Thông tin


Bãi đá cổ Sa Pa có diện tích khoảng 8km2 gồm hơn 200 hòn đá lớn nhỏ, lớn nhất dài 15m, cao 6m nằm rải rác dọc theo thung lũng Mường Hoa qua 3 xã Lao Chải, Tả Van và Hầu Thào thuộc huyện Sa Pa. Bãi đá khắc cổ này được các nhà nhà Đông dương học nổi tiếng người Pháp gốc Nga Vichto phát hiện vào năm 1925.

Những hình vẽ bí ẩn khắc trên những phiến đá là của nhiều tộc người sống ở nhiều thời đại khác nhau từ cư dân văn hóa Đông Sơn (cách đây 2300-3000 năm) đến cư dân thuộc dân tộc Mông đến định cư ở quanh khu vực Sa Pa 200 năm trước. Theo các nhà khoa học, hình khắc trên bãi đá cổ là một pho sách khổng lồ chứa đựng những kiến thức, quan niệm của người xưa về thiên nhiên, miêu tả đời sống sinh hoạt của cộng đồng... được chạm khắc bằng hình ảnh và một loại văn tự cổ.

Tuy Sa Pa không phải là nơi duy nhất phát hiện ra các tảng đá khắc vì trên thế giới cũng có hàng chục điểm tương tự như vậy nhưng đối với Việt Nam, đây vẫn là một điều kỳ diệu, chứng tỏ con người từ xa xưa đã bám trụ vững vàng trên mặt đất, chế ngự thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Nếu chỉ xét về mật độ tập trung các tảng đá thì bãi đá khắc Tả Van xứng đáng xếp hàng đầu.

159 tảng đá dãi dầu mưa nắng vẫn trơ trơ, còn rõ nét khắc hình họa, nét chữ viết ở dạng sơ khai và tiến tới hoàn chỉnh, được ví như 159 tấm bia đá cổ xưa nhất Việt Nam.

Nhìn kỹ vào các tấm bia, ta có thể nhận ra các hình vẽ như hình vuông, hình chữ nhật, các nét vạch đơn, vạch đôi, những đường song song và những đường cắt ngang, những hình người, hình chim thú, cảnh sinh hoạt... Ta có thể có những cách đoán định và lý giải đó là hình đồ bản, là ghi chép về của cải, về thời tiết, là quan niệm về đời sống cổ xưa... nghĩa là thoải mái thả hồn vào tưởng tượng.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tập trung vào tìm hiểu các cảnh sinh hoạt được khắc trên các tảng đá. Đặc biệt, cảnh nam nữ ân ái để duy trì và phát triển nòi giống được mô tả theo mô típ khá quen thuộc, có nét gần gũi với các hình vẽ trên các di vật đồ đồng có niên đại cách đây khoảng 2500-2600 năm đã được tìm thấy ở Việt Nam. Đó chính là hình ảnh thể hiện tục thờ "sinh thực khí", thể hiện tín ngưỡng phồn thực rất tự nhiên, thuần phác của người Việt cổ. Như vậy, có thể ước đoán tuổi của các hình khắc, nét vẽ trên đá ở Sa Pa là trên dưới 2500 năm. Qua đó, có thể thấy được bàn tay, trí óc người Việt khi ấy đã khá phát triển, củng cố thêm nhận định của giới khoa học cho rằng Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại.

Từ năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin nước ta đã xếp hạng bãi đá khắc cổ Sa Pa là "Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia", đưa vào danh mục bảo vệ, gìn giữ cho muôn đời sau. Đến năm 1997, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hoàn tất hồ sơ và đệ trình UNESCO xem xét, tiến tới công nhận bãi đá khắc cổ Sa Pa là "Di sản văn hoá thế giới".

Theo www.laocai.gov.vn

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Núi Hàm Rồng Núi Phan xi Păng Thác Bạc
Bản Cát Cát Thung lũng Mường Hoa Bãi Đá Cổ
Chợ Sa Pa Tả Phìn Tu viện Sapa
Thác Tình yêu Làng Cát Cát ở Sa Pa Bản Hồ
Đá vợ đá chồng Hang động Tả Phìn Du lịch Bản Dền
Xem tất cả địa điểm...