Mảnh đất Quảng Ninh có vô số món đặc sản hấp dẫn khách du lịch, trong số đó không thể không kể tới những món quà quý giá từ biển khơi. Bên cạnh chả mực Hạ Long, ngán biển...du khách tới đây cũng không mấy người bỏ qua ruốc lỗ. Quả thực, ruốc lỗ thuộc loài bạch tuộc nhưng chúng chỉ nhỏ bằng ngón chân cái. Những con ruốc thường đào lỗ, sống nhút nhát quanh các bãi bùn nên người ta lấy luôn tên ruốc lỗ gọi cho tên con vật. Đã là người dân miền biển Quảng Ninh, không mấy người lại không biết cách chế biến ruốc sao cho thơm ngon, tròn vị nhất. 

Mỗi đêm "đi ngòi" (đánh bắt ruốc lỗ theo cách gọi của người địa phương), người dân thường phải mang thêm đèn đi soi nên con ruốc cũng được gọi là ruốc soi. Từng con ruốc nhỏ xíu, đầu chỉ như quả ổi con nhưng chân dài tới 20 cm nên được gọi là ruốc chân dài, để phân biệt với loài ruốc chân ngắn sống trong nước biển, ngư dân dùng lưới để bắt. Ruốc chân dài dai giòn, thơm ngon hơn hẳn giống ruốc chân ngắn.

Ruốc ngon là ruốc có xúc tu chân đều, cử động linh hoạt, màu sẫm đậm, thân nhiều nhớt. Ruốc chân dài dễ "soi" hơn cả vào tầm từ tháng 7 tới tháng 10 âm lịch.Tháng 7 ruốc còn nhỏ, thịt ngọt ngon. Tới tháng 9 tháng 10 ruốc đã có cơm xôi, vị béo thơm kì lạ. Dân sành ăn thường nhậu ruốc cùng rượu ngán, cũng là một đặc sản vô cùng đặc sắc khác của Quảng Ninh.
Ve Quang Ninh, thuong thuc dac san ruoc chan dai-hinh-anh-1
 Ruốc chân dài

Ruốc chân dài có thể chế biến thành nhiều món ngon nhưng chỉ luộc lá ổi là giản đơn mà hấp dẫn hơn cả. Tuy là món luộc nhưng chế biến cũng khá cầu kì, từ khâu sơ chế tới thành phẩm. Ruốc phải còn tươi sống nguyên, cho vào rổ xát muối xóc đi xóc lại nhiều lần nhằm loại bỏ chất nhờn, cũng giúp ruốc sau khi luộc giòn và ngọt hơn. Ruốc có thể luộc cùng lá me chua, lá ổi, sả đều giúp tăng cường hương vị vô cùng hiệu quả. Sả mang mùi thơm, khử tanh; lá ổi có vị chát, làm thịt ruốc săn giòn. Ruốc lỗ không được luộc lâu, chỉ mới sôi nước, thịt ruốc chuyển màu hồng, xúc to cong lại như bông hoa là vớt ra để thưởng thức, bởi chỉ để quá lửa một chút, ruốc đã tuột hết da và không còn thơm ngon. Ruốc chấm mắm tôm pha đường ớt chanh, ăn cùng khế chua vừa giòn ngon, vừa có vị chua ngọt hấp dẫn vô cùng.

                                                                                                                   

Biến tấu của ruốc luộc còn có ruốc nấu canh chua, với nước dùng gia giảm thêm vị đậm đà chua ngọt hợp khẩu vị thực khách. Ruốc nấu canh vẫn giữ nguyên con, khi ăn thực khách mới dùng kéo cắt nhỏ, bỏ vào bát rồi thưởng thức.Thịt ruốc còn nóng ấm quyện cùng vị chua thanh của nước canh, tạo nên món ăn bổ dưỡng mà quyến rũ.

                                                                                                                  

Ruốc ngày nay còn được chế biến thành vô vàn món ngon độc đáo khác như ruốc xào cần tỏi, ruốc nướng, ruốc hấp gừng, ruốc nhúng giấm...Dù là bất cứ món gì, tiêu chí hàng đầu khi chế biến cũng phải đạt được thành phẩm giòn tan, vị giòn đặc trưng rất riêng có của thịt ruốc mà không còn vị tanh của biển. Du khách tới Quảng Ninh đừng quên thưởng thức hương vị món quà biển khó quên này.
Theo Depplus