Ý

Bài viết

Thăm những vườn nho đỏ nước Ý



Hình bài viết Thăm những vườn nho đỏ nước Ý

 

“Sản xuất rượu vang là một nghệ thuật kết hợp với văn hoá”, John Bindels, một nhà báo Hà Lan 73 tuổi chuyên viết về rượu vang đã tổng kết như thế sau chuyến tham quan ba ngày ở Colli Orientali del Friuli.

Từ hàng hiên của tu viện Rosazzo, có thể phóng tầm nhìn bao quát cả vùng Friuli

Vùng đồi núi phía Bắc thuộc cụm Friuli Venezia Giulia giáp Slovenia và cách Verona hơn 4 giờ xe chạy này không phải là nơi duy nhất trồng nho làm vang. Cả nước Ý dường như là một cánh đồng nho khổng lồ rải đều từ bắc xuống nam.

Thậm chí trên vùng đất núi lửa Etna còn đang hoạt động nằm trên đảo Sicily, người ta cũng trồng nho ở độ cao 500m trên những ruộng bậc thang, dù rượu vang sản xuất ở đây mà chúng tôi có dịp nếm thử tại triển lãm Vinitaly 2008 không thật ngon.

Tour tham quan lò vang

Trên suốt hành trình từ Verona đến Cividale, trung tâm hành chính của vùng Friuli và đang là ứng viên của danh sách di sản thế giới của UNESCO 2008 nhờ những công trình nghệ thuật, kiến trúc và văn hoá có từ thời Longobard (trước thế kỷ thứ 8), những vườn nho lớn nhỏ nối tiếp nhau dọc hai bên đường, ở mọi địa hình. Thời điểm đầu tháng 4, trong khi hoa đào nở đầy cành, cây nho chỉ mới lấy sức để đâm chồi sau thời gian ngủ đông. Phải đến tháng 5, nho mới bắt đầu nở hoa, rồi kết trái và chờ thu hoạch vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.

Vùng Friuli bắt đầu tour rượu vang bằng một di chỉ văn hoá lịch sử: tu viện Rosazzo. Nếu như vùng Friuli – từ ghép của Forum Julii do chính Julius Caesar lập ra vào năm 53 TCN – đã làm ra rượu vang từ năm 180 TCN, thì tu viện Rosazzo trên 1.000 năm tuổi giữ vai trò quan trọng khi việc chuyên canh nho và ôliu được hồi phục trong nền kinh tế địa phương.

Chính các thầy tu dòng Benedictine ở Rosazzo canh tác giống nho đỏ Pignolo từ thế kỷ 17, sau này hướng dẫn người dân trong vùng khai thác và phát triển. Hầm ủ vang của tu viện thuộc loại lâu đời nhất ở Friuli. Trong hầm, nhiệt độ lạnh hơn bên ngoài (15 độ C), có lẽ do hơi lạnh toả ra từ lớp đá xây hầm. “Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao và thường xuyên đón khách tham quan, chúng tôi sử dụng máy điều hoà để giữ nhiệt độ thích hợp (khoảng 14–16 độ C) trong hầm”, người hướng dẫn giải thích. Hầm ủ vang ở đây có một căn phòng nhỏ trữ những chai vang thành phẩm vốn trước kia là phòng giam của tu viện được cải tạo.

Những cành nho trên bức tranh các nữ thánh ở giáo đường Longobard Temple có từ thế kỷ thứ 8

Những lò rượu vang mà chúng tôi tham quan sau đó đều sản xuất từ các giống nho ngoại nhập và bản địa, trong đó đáng lưu ý là các giống Ramandolo, Picolit, Tocai, Verduzzo (vang trắng), Pignolo, Refosco (vang đỏ). Dù có tài liệu cho rằng giống nho Pignolo làm ra vang đỏ là đại diện ngon nhất trong vùng Friuli, nhưng Refosco cũng ngon không kém, sau khi chúng tôi được thưởng thức chai Refosco dal peduncolo rosso 2003 rất đậm đà của lò Valchiaro trong bữa ăn tối.

Thổ nhưỡng, khí hậu tiểu vùng và bí quyết sản xuất giúp tạo nên sản phẩm khác nhau giữa các hãng vang, trong đó chuyện ngon hay dở phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là năm thu hoạch. Chính vì vậy mà chai Refrosco dal peduncolo rosso ra lò năm 2005 của Livio Felluga mà chúng tôi nếm thử tại đại bản doanh của tập đoàn Colli Orientali del Friuli lại không thuyết phục bằng.

“Nước Ý có hơn 350 giống nho khác nhau mà ngay cả người trong nghề còn chưa biết hết”, cô Lucia Amoruso, một chuyên gia rượu vang người Ý làm việc tại Bari nói trong bữa ăn tối kết thúc cuộc thi rượu vang quốc tế tại Verona. Tôi có dịp kiểm chứng nhận định này tại Friuli. Trong tổng số 12 giống nho làm vang trắng và 10 giống làm vang đỏ của vùng này, hơn phân nửa là giống bản địa. Colli Orientali del Friuli cũng là tập đoàn duy nhất ở Ý sản xuất rượu vang từ 9 giống nho bản địa.

Vang uống kèm món ăn địa phương

Hầm rượu vang tu viện Rosazzo thuộc loại cổ nhất trong vùng

“Tôi rất thích món ăn Việt Nam khi có dịp dùng tại nhà hàng ở Los Angeles. Và tôi nhận thấy rằng anh cũng rất thích món ăn ở Friuli”, ông Pierluigi Comelli, chủ lò vang Comelli Paolino thế hệ thứ hai nói như thế khi thấy tôi “chén nhiệt tình” dĩa thức ăn (trong khi các đồng nghiệp khác dùng không hết).

Trong suốt thời gian tham quan, chúng tôi được thưởng thức sản vật địa phương đúng nghĩa. Cũng là món risotto (một loại gạo hạt tròn và hơi cứng) nhưng chế biến theo kiểu địa phương, có nơi trộn thêm măng tây còn nguyên đọt. Ngay cả món phô mai Montasio ăn với mật ong Ramandolo cũng thuộc loại “cây nhà lá vườn” ở Friuli, rất thích hợp khi uống vang ngọt. Hoặc món Gnocchi, một loại pasta chế biến tại chỗ từ bột khoai tây và bột mì, cũng rất độc đáo khi dùng với vang trắng Tocai Friulano.

Nhưng tính địa phương khi kết hợp với ẩm thực của rượu vang Ý có thể là một trở ngại khi sản phẩm vượt ra khỏi biên giới. Trong bữa ăn trưa đầu tiên tại tu viện Rosazzo, ông Giorgio Colutta của lò vang Colutta đến từ tỉnh Udine láng giềng cho biết vừa mới đi Việt Nam về. “Tôi đã đến Hà Nội, Sài Gòn và đặc biệt rất thích Phan Thiết với các khu resort”, ông kể với tôi bằng tiếng Pháp. “Thế ông đã tiếp xúc các nhà phân phối địa phương?”, tôi buột miệng hỏi. “Chủ yếu tôi tìm đến các nhà hàng phục vụ món ăn Ý”, ông nói. 

Phô mai Montasio ăn kèm mật ong Ramandolo là một ẩm thực “cây nhà lá vườn” ở Friuli

Khi tôi trao đổi với một đại diện của ICE (viện Ngoại thương Ý) đến từ Rome, ông này thừa nhận việc các nhà sản xuất hiện đang chú trọng đưa vang Ý đến các nhà hàng Ý ở nước ngoài, chứ chưa thông qua mạng lưới phân phối rộng rãi. Ông cũng nói thêm rằng họ cần phải nỗ lực phối hợp nhiều hơn nữa để sản phẩm đi xa hơn.

Trong thực tế, đã có những thương hiệu vang Ý tiếp cận người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối có tên tuổi. Tommasi là một thí dụ. Lò vang thành lập từ năm 1902 này đã chính thức đưa sản phẩm vào Việt Nam từ hơn hai năm nay qua kênh phân phối The Warehouse. Anh Pierangelo Tommasi, đại diện của Tommasi tại triển lãm Vinitaly 2008 cho biết mỗi năm bán sang Việt Nam khoảng 5.000 chai, với chiến lược kinh doanh tập trung vào chất lượng sản phẩm thay vì số lượng.

Ở Friuli có hai giống nho dùng làm vang ngọt được gắn tên xác nhận đảm bảo xuất xứ DOCG (Controlled and Guaranteed Denomination of Origine). Đó là Picolit và Ramandolo. Ramandolo đạt quy chế vang ngọt DOCG đầu tiên trong vùng Friuli Venezia Giulia. Picolit là giống nho trồng từ thời La Mã, có tổng diện tích canh tác 60 hecta, đạt sản lượng tối đa 22 hl/ha.

Những chai Picolit mùa vụ năm 2006 là dòng sản phẩm đầu tiên mang chứng nhận DOCG. Luật quy định vang DOCG phải được làm ra ngay trên vùng đất sản sinh ra nó. Đây là cả một quá trình phát triển để khẳng định thương hiệu, sau khi vùng làm vang Colli Orientali del Friuli đạt được quy chế DOCG năm 1970 và ra đời tập đoàn cùng tên tập trung 202 hội viên, trong đó có 145 cơ sở đóng chai rượu.

Vang trong đời sống

Món pasta Gnocchi trộn xốt cà và rắc phô mai bột
Dấu ấn của rượu vang và nho không chỉ có ở các hầm rượu mà ở khắp nơi, từ cái tên khách sạn mà chúng tôi trú ngụ (Terra & Vini), những hoạ tiết trang trí trên vòm cửa sổ ở quảng trường Paolo Diacono tại trung tâm thành phố Cividale, trên vòm bức tranh các vị thánh nữ ở giáo đường Longobard Temple có từ thế kỷ thứ 8, những bức tranh tường ở các nhà thờ ghi lại cảnh hái nho và chế biến rượu vang... Thậm chí tên giống nho cũng xuất hiện trên bảng chỉ đường, địa danh.

Sản xuất rượu vang đã chi phối sinh hoạt của những người mà chúng tôi gặp. Lúc “nông nhàn”, họ tận hưởng hương vị cuộc sống, như lời một chuyên gia rượu vang cấp kỹ thuật viên (technician) còn rất trẻ ở lò Valchiaro: “Tôi thường chơi thể thao, chẳng hạn bóng đá. Mùa đông, tôi trượt tuyết trong vùng”. Nhưng mùa hè thì họ “đầu tắt mặt tối” với công việc và nơm nớp lo chuyện thời tiết thất thường ảnh hưởng đến chất lượng nho.

Cũng tương tự bất cứ vùng trồng nho nào ở Ý, du lịch tìm hiểu rượu vang ở Friuli khá phát triển. “Nhưng Friuli không chỉ có tour rượu vang, vì vùng này không quá lớn để du khách tiêu tốn hết thời gian tham quan các lò vang”, ông Attilio Vuga, thị trưởng Cividale nói. “Họ có thể khám phá núi non, cảnh đẹp và ẩm thực địa phương”.

Ở Friuli có cơ sở đào tạo chuyên gia rượu vang cấp kỹ thuật viên sau 6 năm học nghề. Nếu muốn trở thành chuyên gia có bằng cấp hẳn hoi thì phải mất thêm 3 năm đại học. Anh Francesco là một trường hợp. Anh đang làm việc tại các lò vang và dự kiến sẽ tiếp tục học thêm 3 năm đại học. Đây là thế hệ hứa hẹn sẽ mang đến cho nghề làm vang vùng Friuli làn sóng phát triển mới, vừa kế thừa di sản của truyền thống, vừa mạnh dạn áp dụng công nghệ mới để đáp ứng chất lượng sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo QUANG THÁI - Sài Gòn tiếp thị



Bài viết liên quan
Khám phá Italy - vùng đất của La Mã cổ xưa
Roma - thành phố vĩnh hằng
Thăm những vườn nho đỏ nước Ý
Toscana - vùng đất lãng mạn bậc nhất nước Ý




Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Nhà thờ Milan - ÝHình ảnh Nhà thờ Milan - ÝHình ảnh Tháp nghiêng - ÝHình ảnh Đấu trường coledium - ÝHình ảnh Thành phố Turin. - Ý
Xem tất cả hình ảnh...