Phú Quốc

Bài viết

Phú Quốc Ký Sự



Hình bài viết Phú Quốc Ký Sự
PHÚ QUỐC KÝ SỰ    

Bầu chọn : / 3
Tốt nhất 

 

Xem hình
trên chuyến tàu cao tốc đi Phú Quốc
* Ký: Nông Huyền Sơn- Hồ Xuân Dung
Từ TP. Hồ Chí Minh có 2 cách đến đảo Phú Quốc. Cách thứ nhất nhanh, gọn, hiện đại, tất nhiên hơi tốn kém vì giá vé máy bay Dakota rẻ nhất cũng tốn 750.000 đồng/người. Đi máy bay, hành khách chỉ tốn khỏang 25 phút chu du trên bầu trời đã đặt chân trên “hòn đảo ngọc” đang trong giai đọan chạy nước rút để trở thành địa điểm du lịch số 1 Đông Nam Á. Cách thứ 2 là “thủy bộ kết hợp”. Có nghĩa là từ TP. Hồ Chí Minh, du khách đi xe gắn máy, xe vận tải hành khách đến TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang rồi đáp tàu cao tốc. Chỉ tốn non 3 giờ hải trình là du khách đã đến nơi.
Chúng tôi không là du khách đi Phú Quốc hưởng trọn non xanh nước biếc. Chúng tôi đi Phú Quốc để sống bụi cùng những phận người trên đảo. Bằng túi tiền khiêm tốn, chúng tôi làm “dân ta ba lô” trên chiếc xe gắn máy.
PHÚ QUỐC KHÔNG CÒN XA

Tại bến tàu cao tốc Rạch Giá- Phú Quốc chúng tôi chọn mua vé tàu Super Dong 140 chỗ ngồi khởi hành lúc 8 giờ sáng hôm sau. Sau khi đã cầm chắc chiếc vé trên tay, chúng tôi mới nhận đươc thông tin chuyến hải hành của tàu cao tốc Biển Xanh vừa từ Phú Quốc vào Rạch Gía gặp nạn giữa biển. Một lọn sóng lạ, hung hãn bất ngờ đập vào tàu mạnh đến vỡ 3 ô cửa sổ kính của tàu khiến vài hành khách bị thương. Trong chuyến tàu đó có lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban và vài Ban ngành Đoàn thể của tỉnh đi công tác Phú Quốc vào. Cũng may là sau sự cố sóng dữ bất thường, tàu Biển Xanh về được đất liền an tòan mặc dù hơn 100 hành khách xơ xác tâm hồn, ai cũng xanh như tàu lá.

Thông tin thứ 2 chúng tôi nhận được là TT Dự báo Khí tượng Thủy văn Kiên Giang điện khẩn cho Ban quản lý bến tàu cao tốc: “Thời tiết ngày mai không khả quan. Biển động từ cấp 5 giật trên cấp 6. Đề nghị các thuyền trưởng lưu ý các bản tin thời tiết kế tiếp”. Sau khi nghe thông tin thứ 2, cô gái bán vé tàu gọi giật chúng tôi, mượn lại cặp vé. Tưởng cô gái thu hồi lại vé, nhưng không phải. Cô ta yêu cầu chúng tôi trình giấy chứng minh nhân dân để ghi chính xác tên tuổi rồi giải thích: “Lỡ có chuyện gì, Cty Bảo hiểm bồi thường nhân mạng đúng người…”. Sau câu nói dễ gây…sốt, cô ta cười ti toe để trấn an: “cẩn thận vậy thôi, chứ hiếm khi…tàu chìm lắm, trừ khi va phải đá ngầm”.
Dù sao cũng đã lỡ mua vé. Nếu thời tiết hung hãn nguy hiểm, chắc thuyền trưởng không nỡ đưa con tàu vào tình huống nhận bảo hiểm.

Sáng hôm sau chúng tôi hăm hở mang dũng khí ra bến tàu. Sóng từ ngòai khơi mêng mông cứ ập vào bờ khiến những chiếc tàu neo bến cứ lắc lư như điên. Bầu trời cau có bằng những lớp mây đen lừ đừ.

Có rất nhiều du khách Tây lỉnh kỉnh ba lô, va li với túi xách xuống tàu. Một đòan Cựu chiến binh Đất thép Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) được Cty du lịch Đất Nước Việt đưa xuống tàu. Họ đi thăm lại nhà tù Phú Quốc- nơi mà hơn 20 người trong số họ đã từng bị chế độ Nguyễn Văn Thiệu giam giữ. Chuyến này những người cựu tù cùng bạn bè, đồng chí sẽ bất ngờ lớn vì Phú Quốc không còn là địa ngục trần gian như ký ức của họ khắc ghi. Phú Quốc ngày nay đã là một khu kinh tế du lịch sinh thái. 99 ngọn núi tạo thành huyện đảo Phú Quốc. Vẫn còn 2/3 diện tích rừng nguyên sinh tự nhiên với hàng trăm chủng lọai cây, gỗ quí hiếm. Hàng trăm km bờ biển có cát vàng, cát trắng được qui họach thành bãi tắm sạch sẽ. Hàng ngàn km vuông mặt biển với những rạn san hô đỏ, những đàn bò biển Dugon và những sinh vật biển quí hiếm khác đang thu hút mạnh khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng, du lịch. Theo con số thống kê của ngành du lịch Kiên Giang, năm 2006 có đến vài ngàn lượt khách đến Phú Quốc.

Chúng tôi không đến Phú Quốc tìm hiểu về kinh tế du lịch. Điều chúng tôi quan tâm là đời sống của người dân lao động bản xứ ra sao khi một quần đảo hoang sơ giữa bao la trời biển đột ngột chuyển mình thành một “Hawai Viêt Nam” với đầy đủ tiện nghi hiện đại.

Trước lúc xuất bến, viên thuyền trưởng sau khi chúc lời thượng lộ bình an qua hệ thống khuếch đại âm thanh đã thông báo: “Hiện giờ, biển Đông cấp 5 giật trên cấp 6 vì vậy, tàu chúng ta sẽ đến Phú Quốc chậm hơn hải trình nửa giờ đồng hồ. Thay vì chỉ 2 giờ rưỡi xuyên biển, chúng ta phải mất 3 giờ. Nếu biển động mạnh chúng tôi buộc lòng sẽ quay tàu lại bến, hủy hải trình để giữ an tòan cho quí khách. Còn bây giờ, chúng ta…xuất bến”.

Con tàu lướt sóng êm ru. Máy lạnh, ghế nệm và tốc độ khiến hành khách không hề cảm nhận được độ dữ của sóng cấp 5 bên ngòai mặt biển. Sau nửa giờ xuất bến, sóng nguôi dần và phẳng lặng. Ngồi cạnh chúng tôi là ông Nguyễn Văn Trọng- cư dân kỳ cựu ở Vũng Thơm. Ông Trọng kể: “ Từ năm 1993 trở về trước, người dân ở đất liền rất khó ra đảo Phú Quốc”.

Thuở đó, nếu ai từ đất liền ra đảo phải có giấy xin tạm vắng tại nơi cư ngụ và phải được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký đồng ý. Khi đã có giấy “thông hành” trong tay, vẫn phải nằm tại bến tàu Rạch Giá 1 tuần lễ để chờ chuyến tàu hàng 7 ngày 1 chuyến duy nhất. Vào đảo chỉ được tạm trú 7 ngày là phải về đất liền. Chiếc tàu hàng ngày trước đi nhanh cũng phải mất 12 giờ đồng hồ mới cập bến. Vì việc ra vào nhiêu khê như vậy, ông Trọng vốn là người sinh ra và lớn lên trên đảo đã không thể hình dung cuộc sống trên đất liền ra sao. Mẹ ruột ông Trọng qua đời ở tuổi 82 vào năm 1989 vẫn không biết cây mía là giống cây gì, chiếc máy cày có hình thù ra sao, tại sao chiếc xe gắn máy có 2 bánh chạy được mà không ngã.

Trước năm 1993, tòan đảo Phú Quốc chỉ có 2/3 dân số chỉ đạt trình độ tiểu học; 1/3 dân số mù chữ hoặc trình độ lớp 2 nhưng đọc không thông, viết không thạo. Số người tốt nghiệp cấp 3 hiếm như vàng. Rất nhiều cán bộ xã không biết viết chữ…

Nghe ông Trọng kể những điều trên, chúng tôi không tin lắm. Tuy nhiên, sau này, một số cán bộ kỳ cựu trên đảo đã xác nhận những điều đó có thật, thậm chí còn nhiều điều lạ nhưng hòan tòan có thật xảy ra trên vùng đất giữa biển trời này, cách nay hơn 10 năm.

Chúng tôi cùng chiếc tàu Super Dong vượt biển an tòan và bắt đầu chuyến hành trình thú vị.

XÓM MỦ TRÊN HÒN ĐẢO DU LỊCH

Người ta gọi là xóm mủ vì ở đó, tất cả già trẻ lớn bé đều chỉ làm 1 nghề duy nhât là vớt đồ mủ phế liệu trên mặt biển để sinh nhai. Kể từ khi Phú Quốc trở thành hòn đảo du lịch, phế liệu từ sinh hoạt của khách du lịch thải ra vô khối, thế là dân xóm mủ kiêm thêm nghề thu mua phế liệu.

Ở đất liền, người ta sống vật vờ với cái nghề thu mua phế liệu, còn ở hòn đảo du lịch này, dân xóm mủ không được liệt vào diện nghèo, lẫn cận nghéo.

* XÓM MỦ XƯA VÀ NAY

Một đồng nghiệp đã hành nghề báo cho Đài PTTH huyện đảo Phú Quốc hơn 15 năm nằng nặc đề nghị giấu tên nói với chúng tôi: “Đất nước đổi mới mở cửa hơn 22 năm nhưng huyện đảo này chỉ có 12 năm mở cửa đổi mới. Nhờ đổi mới chậm, xóm mủ ra đời. Có đổi mới thấy, có thấy mới biết. Đến gặp dân xóm mủ để thấy điều tôi nói là đúng”. Cái lý do tay nhà báo này giấu tên là ví, một số lãnh đạo huyện Phú Quốc vừa ra hầu toà vì cái tội bao chiếm đất trái phép, phá rừng theo kiểu mafia nên lãnh đạo mới rất e dè cánh nhà báo từ đất liền ra. Cho đến giờ, thỉnh thoảng các vị lãnh đạo đương nhiệm vẫn cứ hỏi nhau: “Đứa nào khai cho cánh nhà báo đất liền đập huyện nhà vậy?”. Chỉ là câu hỏi bâng quơ nhưng bố ai dám nhận mình là người ngầm tố cáo.

Sau khi “mật chỉ” cho chúng tôi tìm đường đến xóm mủ, anh nhà báo địa phương dặn thêm: “Đừng nhìn xóm mủ bằng áng mắt… đất liền mà hãy nhận xét xóm mủ bằng ánh mắt của người đứng trên hòn đảo giữa bốn bề trời biển”.

Chúng tôi đi xuyên cái chợ Dương Đông để vào xóm mủ. Chợ Dương Đông lớn nhất đảo nhưng chỉ bằng một cái chợ chồm hổm ở TP. Hồ Chí Minh. Sau lưng cái chợ là một xóm nhà hỗn độn kiểu. Nhà lá, nhà tường, nhà cây trộn vào nhau, chen chúc mọc lấn trên bề mặt những con mương nước đen kịt, rác rưởi lều phều.

Thị trấn Dương Đông là trung tâm hành chính, kinh tế của toàn huyện đảo. Đó là nơi người Việt Nam đầu tiên đến khai phá cư ngụ cách nay hàng mấy thế kỷ. Bây giờ Dương Đông là nơi tập trung đông nhất các văn phòng Cty du lịch trong lẫn ngoài nước. Dân số Dương Đông chiếm hơn 14.300 người, chiếm 1/3 dân số toàn huyện đảo. Nơi đông dân thứ nhì là thị trấn An Thới nhưng chỉ nhỉnh hơn con số 6.600 nhân khẩu.

Mặc dù dân số được ấn định là hơn 14.300 người nhưng con số thật do lượng người di cư từ đất liền ra kiếm cơ hội làm ăn có thể hơn 17.000 người. Cứ thỉnh thoảng huyện lại tổ chức một vài cuộc rà soát hộ khẩu rồi đẩy đuổi về đất liền những người cư ngụ bất hợp pháp nhằm hạn chế bớt làn sóng di cư thiếu việc làm, dễ trở thành đối tượng tệ nạn xã hội gây mất an ninh trật tự.

Chúng tôi đi qua một cây cầu hình chữ Y ghép bằng ván tạp, chui vào một thế giới phế liệu. Đâu đâu cũng thấy phế liệu. Phế liệu chất thành từng đóng cao khắp con đường hẽm lồi lõm gồ ghề. Cạnh những đống đồ bỏ đi ấy là những con người lầm lũi bới, soạn, phân loại thứ hạng từng món đồ mua được hoặc nhặt được. Một chị phụ nữ tên Phượng, nom 40 tuổi nhưng tự phỏng đoán mình 25 tuổi đang săm soi một vỏ ti vi cũ mèm chỉ cho chúng tôi ngôi nhà của ông Ba Tước – Phó ban dân phố vừa đắc cử chưa tròn tháng. Đó là một căn chòi lá xộc xệch cất theo kiểu nhà sàn của dân tộc Tây Nguyên. Mặt sàn cách mặt đất hơn 1 mét để tránh rắn rết.

Thì ra ông Tước cũng là dân di cư từ đất liền ra đảo tạm trú lỳ vào năm 1991 để hành nghề nhặt đồ mủ. Ông cũng là một trong số những người “khai sinh” cái xóm mủ trên hòn ngọc này.
Sau thủ tục xã giao rất nhiệt tình, ông phó ban dân phố gãi cằm, lan man kể chuyện “xưa kia nơi xóm mủ”.

Hồi năm 1990, anh vợ ông Tước là Võ Văn Đúng và 2 người bạn là ông Phan Minh Hạp, nguyễn Văn Nồng (tức Mười Nồng) ở đất liền thất nghiệp, nghèo khổ nên đáng liều “vượt biên” sang đảo Phú Quốc tìm kế sinh nhai. Gọi là “vựôt biên” vì lúc người ở đất liền muốn ra đảo phải xin giấy phép của UBND tỉnh. Cả 4 người đều không nghề nghiệp, sang đến đảo chẳng biết làm gì để sinh sống đành lang thang ra bải biển hoang sơ vớt đồ mủ. Cái thứ đồ mủ gồm phao lưới hư được ngư phủ quẳng ra biển không ai vớt trôi dạt vào bãi thành từng đống. Cả cái đảo lúc ấy, không ai thèm hành nghề ve chai nên 4 ông trúng đậm. Chuyến hàng đầu tiên về đất liền, mỗi người kiếm được mấy cây vàng lãi ròng. Sau chuyến hàng thành công, 4 ông dắt hết vợ con ra đảo cất chòi tạm trú lỳ. Đuổi nơi này, lân sang nơi khác cất chòi. Đảo hoang sơ, rừng rộng, người thưa, cất chòi chỗ nào cũng được. Không đầy 3 năm sau, 3 hộ vớt đồ mủ trở thành “đại gia đồ mủ” trên đảo Phú Quốc. Những chuyến hàng phế liệu cứ xuôi về đất liền liên tục khiến dân phế liệu ve chai ở Kiên Giang nghe ngóng được. Thế là nhiều người đổ xô ra đảo. Đồ mủ phế liệu trên biển dần hiếm, dân đồ mủ chuyển sang nhặt nhạnh tất cả các món hàng phế liệu khác. Của ít, người nhặt nhiều, hàng phế liệu dần “của cho” cạn dần, dân đồ mủ chuyển sang thu mua. Ngoảnh qua, ngoảnh lại cái xóm đồ mủ hình thành với hơn 100 gia đình lúc nào không hay. Trong một đợt tổng điều tra dân số, 45 hộ đầu tiên có thành tích tạm trú lỳ lâu năm được chính quyền công nhận cấp sổ hộ khẩu. 65 hộ khác được cấp KT3 và vài chục hộ vẫn lấy “lỳ làm chính” sống bằng nghề đồ mủ.

Năm 2000, xóm mủ chính thức được ghi tên vào danh sách hành chính với cái tên gọi mới là tổ 12 thuộc khu phố 4, thị trấn Dương Đông. 100% dân số của tổ 12, cộng thêm 1 phần dân cư của 2 tổ lân cận lấy phế liệu làm chén cơn, manh áo. Khu phố 4 trở thành nơi duy nhất trên đảo tập trung dân đồ mủ.

* DÂN ĐỒ MỦ, NGỦ CŨNG CÓ CÁI ĂN

Chị Phú Bích Liên là dân đảo chính gốc từ thuở tổ tiên khai thiên lập địa trên đảo bảo rằng: “Cái đảo này kỳ lạ lắm nghen. Dân kỳ cựu trên đảo chỉ trồng tiêu. Dân bán kỳ cựu có nghĩa chồng gốc đảo, vợ gốc đất liền hoặc ngượi lại thì chỉ sống bằng nghề đi biển. Có rất nhiều nghề, dân đảo không chịu làm đâu. Trồng rau màu, mua bán vặt dứt khoát không làm. Giá 1 kg rau muống ở chợ là 25.000 đồng. Vậy mà đi khắp đảo không thấy ai trồng, toàn chở từ đất liền ra. Dân đảo quen ăn to, nói lớn, làm 1 cục, lấy tiền 1 đục (giỏ xách) mới làm. Bởi tập quán đó nên dân đất liền mới có cơ hội ra đây mua bán nhỏ lẻ”. Cái nghề đồ mủ cũng thuộc dạng thu nhập nhỏ lẻ nên chỉ có dân đất liền ra mới chịu làm. Gọi là nhỏ lẻ nhưng thu nhập không hề nhỏ lẻ. Một ngày thu mua phế liệu dân mủ kiếm lãi ròng vài trăm ngàn là chuyện thường.

3 “ông tổ nghề mủ” trên đảo Phú Quốc, giờ đã thành đại gia, cất nhà hoành tráng, có đất lô trong đất liền, có cả xe hơi đời mới. Và họ trở thành 3 tổng đại lý thu mua phế liệu lớn nhất đảo. Sau này có thêm mấy đại gia trong đất liền ra lập tổng đại lý nâng con số đại gia đồ mủ lên 5 người. Cả 5 tổng đại lý đều lập một quy trình thu mua khép kín. Mỗi ông cất một dãy nhà trọ cho dân mủ từ đất liền ra tá túc rồi đầu tư cả vốn, cả phương tiện thu mua cho dân mủ. Chỉ riêng ông Mười Nồng đã có hơn 20 phòng trọ dành cho hơn 100 dân mủ tá túc. Tiền thu thuê trọ được “ưu đãi xoá đói giảm nghèo” với giá 60.000 đồng/ người/tháng, trong khi thu của người “ngoại đạo” lên đến 200.000 đồng/ người/ tháng.

Lo chuyện ở, 5 đại gia còn lo luôn phương tiện thu mua cho dân mủ. Người nào thích đi thu mua ở tận bắc đảo cách trung tâm Dương Đông hơn 30km thì được vay không thế chấp, trả góp để mua xe gắn máy.

Mười Nồng gãi ót nói với chúng tôi: “Tính ra tui đã cho dân mủ vay mua hơn 20 chiếc “quay Tàu”. Gọi là vay để họ chí thú làm ăn chứ mức lãi của tui còn thấp hơn lãi của ngân hàng chính sách nữa. Vay 10 triệu, họ trả 10 triệu lẻ 100.000 đồng theo kiểu góp ngày. Mà không phải trả bằng tiền mặt mà trả bằng đồ mủ quy ra tiền. Người vay chỉ cần ra biển vớt vài ký lô mủ là có tiền trả góp cho tui rồi”.

Dân mủ có xe gắn máy, hàng ngày tủa khắp cái đảo thu mua phế liệu. Người đi gần thì được tổng đại lý cho mượn xe kéo. Sáng sớm, trước khi đi thu mua, dân mủ được tổng đại lý cho mượn tiền làm vốn, đến chiều đem đồ phế liệu về bán cho đại lý rồi trừ cấn luôn tiền vốn. Sau một ngày thu mua, dân mủ kiếm lãi giá bèo nhất cũng 100.000 đồng. Nếu gặp một khách sạn thanh lý đồ gia dụng thì kể như vô mánh, lãi cầm chắc trên tay hơn 1 triệu đồng. Vợ của phó khu phố Tước vừa vô mánh khách sạn hôm đầu năm, kiếm được hơn 3 triệu đồng, sắm ngay một chiếc ti vi hiệu. Ai bảo dân đồ mủ nghèo?. Bởi vậy, có câu nói: “Dân mủ, ngủ suốt ngày cũng có ăn”. Từ lúc hàng trăm khách sạn, “rì sọt”, “bun ga lô” du lịch mọc dọc theo bãi Dương Tơ, dân Tây nghêu ngao dầy đặc Phú Quốc, dân mủ có thêm nguồn thu nhập. Dân mủ khoái Tây ở chỗ uống xong một lon bia, ăn xong một bịch thức ăn nhanh là tìm thùng rác khách sạn “gởi” vào. Và thúng rác khách sạn trở thành “mỏ tiền” của dân mủ.

Chính vì cái thu nhập tuyệt vời ấy nên dân xóm mủ “bị huốt” tiêu chí hộ nghèo xa lắc. Huốt tiêu chí nghèo, huốt luôn các chính sách khác. Các xóm khác được chính quyền hỗ trợ tiền xây nhà vệ sinh cho từng hộ nhưng dân xóm mủ thì không. Các xóm lân cận được xét hộ nghèo còn dân xóm mủ thì không. Cả xóm mủ chỉ có 1 giếng nước duy nhất do dân tự đóng, ai xài thì thu tiền bình quân 40.000 đồng/ tháng. Cả xóm mủ phải đi chung một cái nhà vệ sinh công cộng với giá 1000 đồng/ lượt đi. Ai ngại tiền thì bước ra bãi đất vành đai phi đạo an toàn của phi trường Phú Quốc ở sát cạnh xóm để giải quyết “bầu tâm sự” miễn phí nhưng cũng phải góp cho lũ muỗi hoang chút ít máu mông. Theo ông phó ban dân phố Huỳnh Tấn Tước thì cả xóm vẫn có 10 hộ sống rất khó khăn chật vật. Ông phân tích: “Giá sinh hoạt ờ Phú Quốc cao hơn Sài Gòn nhiếu lắm. Cái gì cũng mắc, trừ cá biển. Ở đây, nhà giàu thì ăn rau tươi, nhà nghèo ăn cá. Gạo cũng mắc. Khắp đảo không có lấy một thẻo ruộng lúa bằng bàn tay. 100.000 đồng ở đây chỉ bằng 20.000 đồng ở Sài Gòn”. Sau này, chúng tôi gặp một cán bộ phòng Tổ chức Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cũng than phiền về tiêu chí hộ nghèo đối với đảo Phú Quốc. Vị cán bộ này “kêu”: “Tiêu chí nghèo của Phú Quốc được xét theo tiêu chí hải đảo, vùng sâu nhưng ở Phú Quốc này thu nhập hơn 300.000 đồng/ tháng là kể như bữa đói bữa no”.

Không biết có phải dân xóm mủ có thu nhập bình quân 100.000 đồng/ ngày nên người ta cảm thấy xóm mủ không cần hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ hay vì dân xóm mủ là dân di cư tạm trú lỳ nên không cần quan tâm. Ông Tước đã nhiều lần lấy tư cách cán bộ xóm, lãnh đạo khu phố kêu lên chính quyền thị trấn nhưng luôn luôn nhận được thái độ im lặng. Người ta quên rằng, mỗi năm, cứ đến mùa mưa, dân xóm mủ chỉ biết nằm nhà ăn dần số tiền kiếm được trong mùa khô.

Nghe đâu, xóm mủ được khoanh vùng quy hoạch và sẽ bị giải tán. 45 hộ có hộ khẩu sẽ được tái định cư, số KT3 sẽ phải tự đi tìm nơi khác tá túc. Tuy nhiên, điều ấy chỉ mới được thông báo miệng chưa có văn bản chính thức. Ông phó ban dân phố do dân bầu khẳng định, điều đáng ngại trước mắt là 80% dân xóm mủ sinh đẻ không cần kế hoạch, có bao nhiêu cứ đẻ hết. 90% trẻ em xóm mủ học dở chừng cấp 2 rồi gia nhập vào đội quân thu mua phế liệu. Hơn 20 % trẻ em xóm mủ mù chữ do không được miễn giảm học phí. 30% thiếu nữ tuổi vị thành niên có biểu hiện hư đốn. 20% trong số em gái đó có biểu hiện bị lạm dụng tình dục bởi khách du lịch. 10% trẻ em có biểu hiện ăn cắp vặt. Ngay khi chúng tôi đang lân la xóm mủ trò chuyện với dân mủ thì một chị phụ nữ từ chợ rượt đến tận nhà một tên trộm nhí 12 tuổi thu hồi lại được chiếc bàn mới bị đánh cắp. 90% nhà cửa xóm mủ cất tạm bợ, xiêu vẹo.

Do không được quan tâm nên một số hộ cứ sống vật vã với số phận. Ông Nguyễn Hoàng Dũng sống thoi thóp chỉ bằng nữa lá phổi, vợ kiếm được bao nhiêu lãi phế liệu đều mua hết thuốc cho chồng vẫn thiếu trước hụt sau. Hộ ông Huỳnh Trung có 3 đứa con thất học, mù chữ vì vợ bệnh, mình ên ông bốc vác chở thuê cho tổng đại lý phế liệu, tiền công không đủ trang trải cuộc sống. Chị Võ Thị Bé Út bị “yếu thần kinh, không đếm được tiền” cứ bị đàn ông xấu tính cưỡng dâm đến mang bầu. Giờ đứa con đã lớn nhưng cứ sống bằng tiền góp nhặt của lối xóm… Hàng chục gia cảnh thiếu đói như vậy vẫn cứ phải sống vạ vật trong xóm. Hàng chục gia cảnh khác, do con đồng nên ngày nào có đi mua đồ mủ thì có ăn, nghỉ bệnh một ngày, hôm sau thiếu gạo.

Dân xóm mủ lại có câu nói: “Dân xóm mủ, đi tù mới đủ cái ăn” hoặc “dân xóm mủ, vừa làm vừa ngủ mới đủ cái ăn”. Và khắp xóm mủ, người giàu đếm không hết ngón tay. Người giàu thì làm tổng đại lý thu mua, chứ đâu có điên mà nai lưng rong ruỗi khắp đảo lùng mua từng món phế liệu. (Còn nữa)
 
(Theo Nông Huyền Sơn - Hồ Xuân Dung  báo Lao Động Xã Hội)


Bài viết liên quan
Chiến dịch du lịch xanh ở Phú Quốc
Trải nghiệm 6 hòn đảo tuyệt đẹp quanh Phú Quốc
Phú Quốc đẹp ngỡ ngàng
Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 ở Phú Quốc
4 ngày vi vu trên hòn Móng Tay
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Phu_Quoc_Southern_Islands - Phú QuốcHình ảnh Phu Quoc - Dinh Cau - Phú QuốcHình ảnh Bai sao.jpg - Phú QuốcHình ảnh Vuon tieu Phu Quoc.jpg - Phú QuốcHình ảnh Cang Duong Dong - Phu Quoc - Phú Quốc
Xem tất cả hình ảnh...