Khu du lịch hồ Núi Cốc

Bài viết

Núi Cốc - một vùng huyền thoại...



Hình bài viết Núi Cốc - một vùng huyền thoại...
Từ TP Thái Nguyên, đi về hướng tây chưa đầy 16km, trên con đường mềm như dải lụa, vắt qua những nương chè Tân Cương, những ngút ngàn cây rừng... khu hồ nước rộng mênh mông đã hiện ra. Một vùng du lịch sinh thái mà chỉ nhắc đến tên đã đầy chất huyền thoại.

Công sức và ý tưởng con người, sự thôi thúc về phát triển kinh tế du lịch đã biến một vùng huyền thoại xưa thành một vùng huyền thoại của ngày nay.

Huyền thoại xưa, Núi Cốc, sông Công

Dãy Tam Đảo chập chùng đến vùng núi Định Hóa (Thái Nguyên) dường như cao hơn, hiểm trở hơn. Những con suối nhỏ từ lưng chừng núi vắt nước từ núi rừng tạo đầu nguồn con sông Công tại Đèo De, Phú Đình. Chính nơi đây thời kháng chiến chống Pháp Trung ương, Bác Hồ đã ở và làm việc. Ngọn nguồn sông Công cũng từng đã góp phần nuôi cách mạng, kháng chiến.

Rồi cứ xuôi dòng mà chảy, đến vùng Nam Đại Từ và Tây TP Thái Nguyên, lưu vực sông rộng ra. Thái Nguyên đã ngăn đập chính đoạn này và tạo nên một hồ nước lớn với diện tích 25km2, dung tích tới 20 triệu m3 nước. Rồi sau đây Núi Cốc, con sông Công lại hiền hòa chảy xuôi, nhập vào dòng sông Cầu để hòa vào lục đầu giang rồi ra biển. Từ có hồ, những cánh rừng nguyên sinh, rừng trồng hưởng không khí mát lành của hồ nước mà tươi tốt, tạo nên một vùng sinh thái mới, sơn thủy hữu tình.

Chuyện xưa kể rằng, vùng đất in bóng núi Tam Đảo này là nơi sáng tạo một câu chuyện tình bi thương. Cốc là một ngọn núi cao, sừng sững hiên ngang. Công là tên con dòng sông uốn lượn hiền hòa. Tên núi tên sông là tên một đôi trai gái. Chàng trai ở địa vị thấp hèn, cô gái con quan lang, phìa tạo. Hai thân phận trái ngược, éo le dưới thời phong kiến sẽ không thể nên duyên vợ chồng. Mối tình không thành ấy đã để một người đau nước mắt thành sông và người chờ hóa thành núi. Dù cho mùa lũ con sông Công quằn quại cố dâng nước lên phía trái núi, nhưng núi vẫn riêng, sông vẫn riêng. Hai bờ sông Công hoa mua tím nở rực rỡ biểu tượng của một mối tình thủy chung.

Đó là chuyện của huyền thoại dân gian. Còn chuyện thật ở nhiều thời đại cũng đáng để chúng ta tìm hiểu. Bên cạnh núi Cốc, sông Công là núi Văn, núi Võ, núi Quần Ngựa, nơi đến tận ngày nay vẫn còn phảng phất mùi trận mạc, binh đao hơn 600 năm trước có những trận đánh quyết tử với quân giặc nhà Minh với tướng quân Lưu Nhân Chú, một thời luyện binh, tích trữ lương thảo, lấy núi Văn, núi Võ kề bên làm sân tập, lấy nước sông Công nuôi quân để rồi góp phần làm nên chiến thắng Chi Lăng lịch sử.

Suốt cả thời kỳ chống thực dân Pháp, dưới lòng hồ Núi Cốc ngày nay cũng như núi rừng quanh vùng đều ghi dấu chân cách mạng. Bên phía Tây hồ Núi Cốc, cơ quan Văn hóa cứu quốc ở và làm việc trong nhiều năm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ nhà văn Ngô Tất Tố, Nam Cao đều có mặt ở đó. Nhật ký ở rừng nổi tiếng của Nam Cao được viết tại nơi này. Năm 1949, lớp báo chí cách mạng đầu tiên được mở ngay xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, với hơn 50 học viên, sau này đều là những nhà báo có tên tuổi, góp phần tích cực cho sự phát triển báo chí nước nhà. Còn nhiều và rất nhiều điều đáng kể tại nơi đây.

Huyền thoại thời nay

Những chàng trai, cô gái núi rừng Việt Bắc thực hiện quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên đã mấy mùa đổ mồ hôi đắp con đập sừng sững chắn ngang dòng sông. Sông Công xưa cuồn cuộn chảy như nỗi lòng con người giờ dịu dàng hiền hòa, vui sướng dâng nước lên thành hồ nước xanh thẳm. 98 hòn đảo trên hồ như những dấu chấm hết của một thời đau thương và góp thêm vẻ đẹp sinh động, duyên dáng của lòng hồ. Núi Cốc xưa đơn côi lạnh lẽo mối sầu, giờ reo vui lung linh soi bóng mặt hồ.

Hồ Núi Cốc - Ảnh:
Thái Nguyên trong những năm tháng qua đã không ngừng đầu tư để biến đây trở thành khu du lịch sinh thái tiềm năng lớn góp phần làm giàu cho quê hương. Tiềm năng du lịch Núi Cốc bắt đầu từ ý tưởng con người. Ý tưởng ấy được thực tiễn thôi thúc và huyền thoại hun đúc cho quyết tâm.

Khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc có nhiều loại hình du lịch hấp dẫn về sinh thái, môi trường, cảnh quan, văn hóa. Du khách được đi tàu lướt trên mặt hồ lộng gió, thăm Đảo Rắn, Đảo Cò và gần trăm hòn đảo lớn nhỏ thấp thoáng cùng sóng nước. Đặc biệt có Đảo Cái nơi lưu giữ nét đẹp của văn hóa độc đáo với khu trưng bày với trên 2.000 hiện vật giới thiệu các sản phẩm văn hóa dân tộc Việt Nam qua các thời đại. Các khu vui chơi giải trí đa dạng tạo nên một quần thể hấp dẫn, như: Động Huyền thoại cung, Nhà nghỉ Ba Cây Thông, Động cổ tích và Âm phủ, Công viên nước, Khu vườn thú, Sân bóng chuyền, cầu lông, tennis...

Thời điểm này, người ta lại nhắc nhiều đến du lịch hồ Núi Cốc khi năm du lịch Quốc gia 2007 được tổ chức tại Thái Nguyên đang đến gần. Ai cũng rõ, Khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc sẽ là điểm đến của nhiều du khách. Đón chào sự kiện ấy, Công ty CP Khách sạn Du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tu bổ chỉnh trang vườn hoa, phòng nghỉ, nhà ăn...; đầu tư mới khu vui chơi giải trí cho trẻ em, với các trò chơi: Xe đụng nhau, thú nhún, đu quay, xe trượt rồng. Công ty đã cho hạ thuỷ con tàu mang số hiệu 88 có sức chở gần 50 khách và một số xuồng cao tốc. Khu vui chơi thể thao dưới nước, Công ty đầu tư mới hàng trăm phao bơi, du khách có thể thả mình trôi theo dòng nước trong xanh của dòng Sông Lười... Đặc biệt, Công ty đã liên doanh với đối tác Trung Quốc đầu tư xây dựng một sân khấu nhạc nước, trị giá hơn 10 tỷ đồng, sẽ đưa vào khai thác phục vụ năm du lịch; lập kế hoạch tuyển dụng khoảng 10 hướng dẫn viên du lịch giỏi...

Anh Vũ Văn Luân, Giám đốc Công ty khẳng định: “Du lịch Núi Cốc, du Thái Nguyên là du lịch về nguồn; du lịch về các địa danh gắn liền với cách mạng-du lịch sinh thái. Vậy, sản phẩm du lịch nào để quyến rũ du khách? Chúng tôi xác định, đổi mới đầu tiên phải là con người, đổi mới về công tác quản lý và mạnh dạn đầu tư. Công ty tuyển các hướng dẫn viên giỏi, đầu tư các hạng mục vui chơi, với mong muốn họ sẽ quảng bá, đưa hình ảnh Núi Cốc, Thái Nguyên đến với du khách. Và qua đó, du khách sẽ nhớ đến Núi Cốc, nhớ đến mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng. Cũng từ định hướng ấy, từ đầu năm đến nay, Công ty đã thu hút được gần 400 nghìn lượt du khách, tăng trên 30% so với năm ngoái. Đây là điều kiện thuận lợi để Công ty hoàn thành kế hoạch giá trị doanh thu 13 tỷ đồng năm trong 2006”.

Có thể khẳng định những đổi mới, sự chuẩn bị kỹ lượng cho năm du lịch 2007, du lịch hồ Núi Cốc sẽ tiếp tục hút lòng người. Và khi ấy, du khách lại bắt gặp ngọn núi Cốc in bóng xuống dòng nước sông Công lặng lẽ trầm tư như thầm thì kể về câu chuyện tình tuyệt đẹp thuở xưa.



Bài viết liên quan
Hồ Núi Cốc - một bức tranh thiên nhiên kỳ thú
Hồ Núi Cốc - vẻ đẹp huyền thoại
Núi Cốc - một vùng huyền thoại...




Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Hồ Núi Cốc - Khu du lịch hồ Núi CốcHình ảnh Đi thuyền trên hồ Núi Cốc - Khu du lịch hồ Núi CốcHình ảnh Chiều trên Hồ Núi Cốc - Khu du lịch hồ Núi CốcHình ảnh DSCF8742 - Khu du lịch hồ Núi CốcHình ảnh DSCF8730 - Khu du lịch hồ Núi Cốc
Xem tất cả hình ảnh...