Cung đường quen thuộc để thăm lúa mùa vàng là từ Hà Nội đi dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn trên quốc lộ 32 đến Tú Lệ, vượt đèo Khau Phạ rồi tiến tới Mù Cang Chải – nơi được mệnh danh là thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam.

Tú Lệ,  món quà tiên

Cách Hà Nội chừng 250 km, Tú Lệ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình chinh phục cung đường hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Được ví như cô gái đẹp miền sơn cước, những cánh đồng lúa mê mải ở Tú Lệ được ba dãy núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song ôm trọn vào mình, tạo nên những dải vàng sóng sánh, đầy quyến rũ dưới làn gió thu mơn man. Người Thái ở đây gọi những mảng lúa vàng là món quà tiên vì theo truyền thuyết kể lại giống lúa Tú Lệ do các nàng tiên giáng trần ban cho hạt giống và dặn dò người Thái tìm sao cho đúng nơi hợp thổ nhưỡng để gieo trồng và Tú Lệ là vùng đất được chọn.
Một điều kỳ lạ là cho đến nay, mặc dù được mang đi gieo trồng ở nhiều nơi nhưng không đâu hạt nếp có hương thơm và độ tròn, dẻo như Tú Lệ. Chẳng thế mà hành trình thăm lúa năm nào cũng vậy, bữa cơm xôi nếp Tú Lệ kèm thịt lợn bản nướng luôn được lữ khách chờ đợi để được thưởng thức, như điểm khởi đầu đầy hứng khởi chuẩn bị cho chặng đường rong ruổi nhiều quanh co, đèo dốc nhưng đầy thú vị ở phía trước.
Tay Bac, mua Thu vang tren reo cao-hinh-anh-1
 

Mù Cang Chải, “vương quốc” ruộng bậc thang

Từ Tú Lệ, để đến được Mù Cang Chải, phải vượt qua Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc Việt Nam. Ở độ cao trên 1200 m so với mặt nước biển với chiều dài 40 km, Khau Phạ là con đèo dài nhất, hiểm trở nhất và cũng là đẹp nhất trên quốc lộ 32. Nhìn từ xa, đèo Khau Phạ như một dải lụa suôn mượt, uốn mình lượn quanh những dãy núi điệp trùng rồi len lỏi giữa đại ngàn hoang sơ. Sau khoảnh khắc ngất ngây pha chút hồi hộp vì đoạn đường đèo khá nguy hiểm, cả một miền thiên đường ruộng thang dần mở ra trước mắt.
                                                                                       
Lúc này, Mù Cang Chải như bức tranh thêu tay đẹp đến từng chi tiết nhỏ, nên thơ, kỳ vĩ, đắm say lòng người. Hơn 2.300 ha ruộng bậc thang, trong đó 500 ha thuộc ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dzế Xu Phình đã được công nhận là một trong những danh thắng độc đáo vào bậc nhất Việt Nam và được xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia từ năm 2007. Giữa “biển vàng” hương sắc mùa lúa chín, hương thơm rẻo cao cứ thế ngào ngạt, vương vít trên chiếc áo còn đẫm mồ hôi của người đồng bào dân tộc H’Mông, Thái, Hà Nhì… rồi theo chân họ về nhà, quấn quít bên chiếc cối xay để thành hạt gạo, hạt cốm thơm ngon, dẻo bùi. Có dịp bước chân đến những bản làng nơi đây mới thấy hết cuộc sống giản đơn, bình dị mà rất đỗi gần gũi, thân quen của người bản địa mến khách.
                                                                                        
Bất chợt thấy thấm thía hơn về công sức, sự cần cù, chịu thương chịu khó từ bao đời nay để hình thành nên những nấc thang vươn cao đến tận trời. Bởi thế, cứ mỗi mùa Thu đến, lữ khách phương xa lại nhộn nhịp lên đường, không đơn thuần là tham quan cảnh đẹp mà nói một cách thân thương hơn là đi thăm lúa, giống như thăm một người bạn tri kỷ. Để rồi khi đang bên bạn, dẫu chưa xa, đã nghĩ đến ngày quay trở lại…
  ( Nguồn sưu tầm )