Tây Tạng

Bài viết

Mùa hè trên đỉnh Tây Tạng



Hình bài viết Mùa hè trên đỉnh Tây Tạng
Mỗi năm, tôi và nhóm bạn đều có ít nhất một chuyến đi khoảng một tuần. Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ và cũng không nhớ vì sao lại có tiền lệ như vậy. Chúng tôi hầu hết là những 8x đời đầu, phần lớn đều có công việc ổn định và có gia đình. Điều trăn trở trước mỗi chuyến đi của chúng tôi là làm sao có thể vắng mặt ở công ty và ai sẽ làm giúp phần việc của mình, cũng như không thể vắng mặt ở gia đình lâu quá. Thế nhưng trong chuyến đi năm trước, chúng tôi lại mơ về Tây Tạng.
Đến được Tây Tạng phải đủ duyên
Tại sao lại là Tây Tạng? Chúng tôi không biết, chúng tôi chỉ mơ và quyết tâm thực hiện giấc mơ đó. Khi tìm hiểu về du lịch, văn hóa, lịch sử Tây Tạng thì mới biết, đây là một vùng đất của mây, của núi, của sỏi đá, của khốc liệt, đức tin và linh thánh chứ nó không chỉ là những hình ảnh mộng mơ và hùng vĩ. Chính sự phức tạp của vùng đất này nên đi Tây Tạng xin khẳng định một điều không phải có tiền, có thời gian là đến được. Bởi nếu có điều kiện nhưng cơ thể không thể thích ứng được khí hậu lạnh, khô và không khí loãng ở độ cao hơn 4.000m trên mực nước biển thì dù có đặt chân đến Lhasa cũng đành ngậm ngùi đi cấp cứu và ngay lập tức lên máy bay trở về để bảo toàn sức khỏe. Nhưng dù có đủ sức khỏe cũng chưa chắc tất cả những ai mơ ước về vùng đất cao nhất thế giới này đều đến được. Ai ở đây về đều tin chắc một điều: đến được Tây Tạng cần phải có đủ duyên. Có thể cũng chính sự khó khăn đó nên đây là nơi thu hút sự chú ý của những người mê du lịch.
du lich, Tay Tang, den, Potala
Cột cao quấn cờ ngũ sắc ngay trước cổng đền Jokhang.
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, chúng tôi đã lên kế hoạch từ 8 tháng trước, nhóm đi ban đầu chỉ có 3 người khởi xướng rồi chia nhau các công việc như tìm thêm người để giảm chi phí, tìm hiểu về cách thức đi. 
Chúng tôi có thói quen đi bụi, tự tìm hiểu rồi đi theo sự hiểu biết và chuẩn bị của mình, có lẽ khu tự trị Tây Tạng là một ngoại lệ. Muốn du lịch đến đây, bạn Người ta đi từng vòng Kora xung quanh Potala, vừa đi vừa xoay chuyển kinh luân, lần tràng hạt và đọc thầm chú. phải xin visa sang Trung Quốc, sau khi có visa bạn phải mua tour của một công ty du lịch, hội đủ hai điều kiện này mới xin giấy thông hành vào “đất thiêng”. Sau 20 ngày chờ đợi, khi được nhìn thấy bản scan giấy thông hành trên email chúng tôi không khỏi không xúc động. Tuy nhiên, sau khi chuẩn bị gần như là xong, chỉ còn đợi ngày xách va-li lên và đi thì 2 trong 8 người của đoàn quyết định từ bỏ chuyến đi, bỏ tiền đặt cọc cho công ty du lịch, bỏ vé máy bay cùng những khoản chi phí khác. Họ bỏ bởi đây là một chuyến đi khá nguy hiểm và nhọc nhằn. Chúng tôi gặp khó khăn khi số người đi ít lại thì chi phí cho chuyến đi lại tăng lên khá nhiều cộng với ảnh hưởng từ những người không đi khiến tinh thần chúng tôi có phần lung lay, nhưng rồi tự mình trấn an mình. Sau chuyến đi trở về, tôi biết khi mình không thay đổi ý là một quyết định sáng suốt. 
du lich, Tay Tang, den, Potala
Người ta đi từng vòng Kora xung quanh Potala, vừa đi vừa xoay chuyển kinh luân, lần tràng hạt và đọc thầm chú.
Chi phí cho chuyến đi là một con số khá lớn nhưng rất nhiều người làm tour ở Việt Nam đều nói, có tiền cũng chưa chắc đi được bởi chúng tôi đi vào giữa tháng 7. Đây là mùa du lịch đỉnh cao ở xứ này cho nên rất khó đặt vé tàu, vé máy bay cũng như khách sạn khi đến Lhasa nhưng may mắn thay sau thời gian dài trao đổi về lịch trình, các phương án đi, số lượng thành viên… thì cũng đến ngày chúng tôi lên máy bay và bay đến với giấc mơ của mình. 
Hành trình đến LHASA
Từ Việt Nam không có đường bay thẳng đến Lhasa, thông thường người ta bay đến Thành Đô – Tứ Xuyên, sau đó tiếp tục bay lên Lhasa hoặc bạn có thể đến Nepal rồi bay sang Lhasa. Chúng tôi chọn Thành Đô bởi ở đây khá hay và thân thiện mà chúng tôi có dịp ghé đến rồi. Từ TP.HCM đến Thành Đô cũng không có đường bay thẳng mà phải quá cảnh ở sân bay Ngô Vu - Nam Ninh. Sau gần 1 ngày thì chiều tối cùng ngày chúng tôi đã có mặt ở Thành Đô, chuẩn bị tinh thần để ngày hôm sau lên tàu trên tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng để đến Lhasa. 
du lich, Tay Tang, den, Potala
Những tấm rèm đen có họa tiết trắng được làm từ lông của bò yak
Chúng tôi chọn đi đường sắt vì đây là tuyến đường được mệnh danh là đẹp nhất thế giới. Đồng thời, hai ngày ngồi trên tàu hỏa sẽ giúp cơ thể thích nghi dần với độ cao và khí hậu tại vùng này. Không như dự định của chúng tôi, công ty du lịch báo họ đã đặt vé nhưng vì đây là mùa cao điểm nên đột nhiên đến giờ chót không có vé. Chúng tôi đành phải bay đến Lhasa, có chút thất vọng nhưng bù lại có thêm nhiều thời gian để thăm vài nơi ở tỉnh Tứ Xuyên. Chuyến bay từ Thành Đô cất cánh lúc 6 giờ chiều và hành trình đến với vùng đất thiêng, đến với “nóc nhà thế giới” đã thật gần. Lòng ai cũng ngổn ngang suy nghĩ, vừa vui mừng vừa lo lắng. Buổi chiều trời nhiều mây mù, hơn một giờ ngồi trên máy bay nhìn xuống, thỉnh thoảng nếu không có mây có thể thấy những dãy núi trùng trùng điệp điệp cứ như những mô đất nhỏ chồng chất lên nhau bao trùm cả góc nhìn, thỉnh thoảng là những dòng sông uốn lượn duyên dáng. 
du lich, Tay Tang, den, Potala
Bạch cung là cung thất chuyên phục vụ cho các sinh hoạt chính trị và tôn giáo.
Sau 1 giờ 45 phút chúng tôi đã hạ cánh xuống sân bay Gongga, lòng đầy lo lắng chờ đón xem cơ thể sẽ phản ứng như thế nào với điều kiện không khí loãng. Đã gần 9 giờ đêm nhưng trời còn sáng như mới 5 giờ chiều ở Việt Nam vậy. Từ sân bay chúng tôi mất thêm một giờ đồng hồ ngồi xe để về Lhasa, may mắn sức khỏe mọi người đều ổn và Lhasa đón chúng tôi bằng nhiệt độ mát lạnh kèm mưa nhẹ. Đêm đầu tiên đầy háo hức nhưng chúng tôi hơi thất vọng vì người trực khách sạn nói ở đây người ta nghỉ sớm lắm, sau 10 giờ hàng quán gần như đã đóng hết, chúng tôi phải tranh thủ chạy nhanh đến quán mỳ gần đó để ăn tối. Buổi tối ở Lhasa lạnh, các quán rượu phong cách Tạng vẫn còn mở và ngoài đường thỉnh thoảng bạn bắt gặp một xe bán các món nướng như thịt, rau quả, đậu hũ và nấm nướng bốc lên mùi ớt, tiêu và hơi ấm từ than hồng khiến du khách phương xa không thể không sà vào.

Chiêm ngưỡng cung Potala và đền Jokhang 

Sau một đêm ngon giấc với chăn êm nệm ấm và căn phòng trang trí rất đẹp mắt, 10 giờ sáng chúng tôi dậy và bắt đầu bữa sáng đầu tiên ở Lhasa, sau đó tiến thẳng cung Potala. Đây được xem là chốn linh thiêng, là linh hồn của Tây Tạng. Từ xa đã nhìn thấy Potala sừng sững trên đồi cao trong sương mù và mây nhẹ. Trong tưởng tượng của chúng tôi, Potala hẳn phải đứng biệt lập với thế giới trần tục thế nhưng khi đến nơi mới thấy nếu Potala không nằm trên cao, có lẽ đã bị những ngôi nhà xung quanh bao vây. 

Cung Potala – trái tim của Tây Tạng 

Potala tọa lạc trên đồi hồng, quần thể kiến trúc này được chia thành 2 phần là Hồng cung và Bạch cung. Bạch cung là cung thất chuyên phục vụ cho các sinh hoạt chính trị và tôn giáo còn Hồng cung chủ yếu mang tính chất tôn giáo, nơi đây có rất nhiều tượng Phật và các tháp chứa hài cốt của các vị Đạt Lai Lạt Ma sau khi viên tịch. Potala được xây dựng từ thời vua Songtsen Gampo nhưng mãi đến thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 - Losang Gyatso - thì nơi này mới chính thức được chọn làm cung điện của phái Hoàng Mao giáo. Công trình được xây dựng vào năm 1645, phải mất hết 50 năm để hoàn thành một quần thể kiến trúc phức tạp như ngày nay. Thời đó, phía trước cung Potala là hồ lớn nhưng ngày nay đã bị lấp để xây quảng trường. 
du lich, Tay Tang, den, Potala
Potala nhìn từ dưới lên.
Vừa bước đến hành lang bên ngoài đã bắt gặp nhiều người hành lễ bằng cách đi từng vòng Kora xung quanh Potala vừa đi vừa xoay chuyển kinh luân, lần tràng hạt và đọc thầm câu “Om mani patme hon”, thỉnh thoảng còn bắt gặp những người đi một bước thì “ngũ thể nhập địa”. Đến đây, tôi còn biết thêm có nghề hành lễ thuê. Có vài người vừa đọc kinh, vừa bước, vừa ngũ thể nhập địa và sau đó ngồi xin tiền. Những người đi ngang cho họ vài đồng bạc lẻ, hướng dẫn viên giải thích rằng người ta quan niệm cho tiền người kia để mua được phước. 
Hành trình tham quan Potala bắt đầu từ bạch cung, sau khi qua rất nhiều căn phòng và lên nhiều bậc thang trong khí trời mùa hè khá nóng và không khí loãng thì sẽ đến Hồng cung theo đường liên thông. Hiếm ai đến khu vực này mà không khỏi ngạc nhiên bởi ở đây họ còn giữ được rất nhiều hài cốt của các vị Đạt Lai Lạt Ma được đặt trong các tháp làm bằng vàng và nạm rất nhiều đá quý. Bạn sẽ được tham quan Hồng cung bắt đầu từ tầng cao nhất đi xuống và ra khỏi nơi này men theo đường vòng phía sau để rời Potala. Vào đây, khách du lịch không được phép chụp hình, các camera được gắn khắp các góc phòng.
Potala mùa này giá vé tham quan vào khoảng 200 nhân dân tệ, đắt gấp đôi mùa đông nhưng lại hạn chế thời gian vào trong, bạn chỉ có 30 phút để leo từ chân đồi lên đến cung, và sau đó chỉ có 1 giờ đồng hồ để vào các gian phòng tham quan. Quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt, để vào bên trong bạn phải đi qua máy soi, trình vé và passport, không được mang theo nước uống, chất dễ gây cháy nổ cũng như các vật sắt nhọn. Vào nơi tôn nghiêm này, du khách phải ăn mặc lịch sự và không được đội nón để thể hiện lòng thành kính. Sau khi vào trong tôi bỗng nhận ra một sự thật bẽ bàng rằng trong dòng người đông như kiến xếp hàng vào Potala chỉ toàn khách du lịch Trung Quốc và vài đoàn lẻ tẻ những người khách đến từ nước khác, riêng người Tạng gần như rất ít. Làm tôi chợt nghĩ, xưa kia trong những cuốn sách như Đường đến Lhasa, Đường mây qua xứ tuyết... những cuốn sách kinh điển về xứ Tây Thiên thì Lhasa và cụ thể là Potala chính là mục đích lao động của cả đời người chỉ đến đây hành lễ, được lặng thinh xách vào đây một bình mỡ bò và đi rót khắp các bình nến để được thành kính hướng về đức Phật. Potala là trái tim, là nơi linh thiêng của Tây Tạng vậy mà giờ đây vật đổi sao dời, Potala chỉ còn là một biểu tượng của quá khứ được người ta mang ra để kinh doanh du lịch. Một nỗi xót xa len nhẹ vào trong suy nghĩ. 

Đến đền Jokhang và thưởng thức món ăn của người tạng trong… bất ngờ 

Rời Potala chúng tôi đến với con phố Bakor sầm uất. Đây cũng là đường dẫn đến đền Jokhang. Đền Jokhang có thể nói là điểm đến tâm linh của Phật giáo Tây Tạng, từ bên ngoài đền chúng ta có thể nhìn thấy hai cột lớn được quấn cờ ngũ sắc và có rất nhiều người nằm rạp để hành lễ. Đền Jokhang không đồ sộ như Potala nhưng ở đây rất tinh tế trong trang trí, đặc biệt nếu du khách chú ý sẽ thấy ở đây các cây kèo đều được trang trí các tượng con Lang (hay còn gọi là sói tuyết) được đẽo bằng gỗ rất tinh xảo, ở mỗi cây cột đều có hình vẽ các vị Phật. 
Vào bên trong đền Jokhang chắc chắn bạn sẽ ngợp bởi nét đẹp tinh tế trong kiến trúc, sự uy nghiêm của các bức tượng mà còn ngợp bởi dòng người chen chúc, nhất là khu vực thờ Phật chăm lo về kinh tế, tương truyền rất hiển linh. Bước ra ngoài khu vực thờ chính, leo lên cao có khá nhiều tượng và các tháp đựng hài cốt. Ở đây bạn có thể tha hồ hóng mát, ngắm cảnh Lhasa và còn được chiêm ngưỡng Potala toàn vẹn từ xa trong tiếng bàn luận rộn ràng của các tu sĩ vào giờ khảo bài, bàn luận Phật pháp. 
Rời đền Jokhang, theo lịch trình chúng tôi có một bữa trưa đúng chất Tạng trong một quán ăn gần đó. Ai nấy đều cảm thấy hết sức phấn khích vì được ăn và uống những món ăn của người Tạng trong không khí Tạng bao trùm. Nhưng sự thật, vừa bước vào quán, chúng tôi không tránh khỏi sốc vì một không gian đông nghịt, hôi hám, những người đàn ông Tạng cao lớn, tóc tai bù xù vừa ăn vừa trò chuyện ồn ào. Mọi thứ đều bẩn, sờ vào đâu cũng nhơn nhớt dầu mỡ và nặng mùi. Bữa cơm đầu tiên chúng tôi ăn uống rất dè dặt.
Nguyệt Phạm / Duyên Dáng Việt Nam


Bài viết liên quan
Mùa hè trên đỉnh Tây Tạng
Thăm học viện phật giáo lớn nhất thế giới
Du lịch Bhutan
Trời xanh Tây Tạng




Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Cảnh vật tây tạng - Tây TạngHình ảnh Nhà ở tây tạng - Tây TạngHình ảnh Núi tuyết ở tây tạng - Tây TạngHình ảnh Khu dân cư tây tạng - Tây TạngHình ảnh Khu tự trị tây tạng - Tây Tạng
Xem tất cả hình ảnh...