Việt Nam

Bài viết

Hành trình cùng những dòng sông



Hình bài viết Hành trình cùng những dòng sông
Bộ sưu tập về những con sông gần như đã rất đầy trong những chuyến hành trình của chúng tôi. Mỗi một dòng sông là một câu chuyện, một lời tự sự, một tâm tình và mang một hình dáng rất riêng tư.

Bài viết này xin được chia sẻ một vài hình ảnh những dòng sông chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

1. Sông Nho Quế ở Hà Giang

Nho Quế bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Trung Quốc) và chảy qua điểm cực Bắc của lãnh thổ Việt Nam, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 2km đường chim bay. Hành trình len lỏi của dòng Nho Quế giữa cao nguyên đá tai mèo đã đem lại cho đệ nhất hùng quan Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) một vẻ đẹp đầy bí ẩn và hoang dại. Sông Nho Quế là chi lưu của sông Gâm tại xã Lý Bôn tỉnh Cao Bằng, và đến lượt mình, sông Gâm lại là phụ lưu cấp I của sông Lô tại Khe Lau, Tuyên Quang.

Sông Nho Quế nhìn từ đèo Mã Pí Lèng

2. Sông Quây Sơn ở Cao Bằng

Sông Quây Sơn phát nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng đông nam vào lãnh thổ nước ta, qua hai huyện Trùng Khánh và Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng rồi quay trở lại đất Trung Quốc.

Dòng sông gắn liền với thác Bản Giốc đẹp vào bậc nhất ở Việt Nam với ba tầng thác cuồn cuộn đổ xuống từ độ cao trên 50m tạo nên những hình ảnh tráng lệ và âm thanh vang động núi rừng, rồi lại hiền hòa xuôi dọc theo biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung chảy về Hà Quảng.

Dòng sông Quây Sơn gắn liền với thác Bản Giốc

3. Sông Lô ở Tuyên Quang

Dòng sông nổi tiếng và nên thơ với câu hát “Sông ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng hoang vu” cũng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào lãnh thổ nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Sau một hành trình dài hơn 250km qua địa phận các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, dòng sông hợp lưu với sông Đà và sông Hồng tại quãng ngã ba Hạc, thành phố Việt Trì - nơi chất chứa nhiều huyền thoại của cha ông và có loài cá anh vũ nổi tiếng.

Sông Lô

4. Sông Mã ở Sơn La

Một trong những dòng sông được bắt nguồn từ những dãy núi nằm trong lãnh thổ Việt Nam ở mạn tây bắc (Pù Huổi Long) và được hợp sức bởi nhiều chi lưu và những dòng suối nhỏ khác. Sông Mã trên địa phận tỉnh Sơn La dài khoảng 93km là một dòng sông có độ dốc lớn và nhiều thác ghềnh, mùa khô nước trong xanh hiền hòa, mùa mưa nước gầm lên hung dữ. Sông Mã chảy sang nước bạn Lào tại cửa khẩu Chiềng Khương huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và quay về Việt Nam tại cửa khẩu Tén Tằn, Thanh Hóa.

Sông Mã trên địa phận tỉnh Sơn La Sông Mã trên địa phận Thanh Hóa

5. Sông Nậm Na ở Lai Châu

Dài khoảng 86km bắt nguồn từ một dãy núi cao trên 2000m của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Nậm Na là phụ lưu lớn nhất của sông Đà và hợp lưu với dòng sông này tại Mường Lay - Lai Châu.

Nằm dọc theo quốc lộ nối hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, vẻ hiền hòa và thơ mộng của dòng sông đã khiến cho con lộ này trở thành một trong những cung đường quyến rũ nhất của Tây Bắc. Hình ảnh cầu Hang Tôm - cây cầu dây văng lớn nhất miền Bắc khi xưa, mà tương lai sẽ bị chìm trong nước sau khi thủy điện Sơn La hoàn thành, luôn gắn liền với những bức hình của Nậm Na.

Cầu Hang Tôm trên sông Nậm Na

6. Sông Đà ở Hòa Bình

Sông Đà với những vách đá sừng sững hiểm trở, những thác nước gập ghềnh, những vũng xoáy hung dữ… tất cả đã được chặn lại tại Hòa Bình để sinh ra dòng điện phục vụ cuộc sống của con người.

Từ đây, dòng sông không còn khoác trên mình tấm áo độc hành dữ tợn mà thay bằng vẻ trong xanh yên ả dưới chân những hòn đảo nhỏ trong lòng hồ Hòa Bình trước khi hợp lưu với sông Hồng tại Tam Nông - Phú Thọ. Dòng sông có lưu lượng nước lớn và hệ sinh thái vô cùng phong phú, tiềm năng phát triển du lịch rất cao.

Sông Đà ở Hòa Bình

7. Sông Hồng ở Lũng Pô

Khởi nguồn từ trên núi Ngụy Sơn cao trên 2000m thuộc tỉnh Vân Nam, sông Hồng chảy vào đất Việt tại đỉnh Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Từ đây, dòng sông đỏ nặng phù sa được tiếp thêm sức bởi dòng suối Lũng Pô trong xanh chảy ra từ khe núi và trở thành biên giới tự nhiên với Trung Quốc cho đến tận Hà Khẩu.

Trước đây có một cồn cát nhỏ và một gốc cây sung lớn đánh dấu điểm bắt đầu của dòng sông trên đất Việt, nhưng cơn lũ lớn tháng 8-2007 đã san phẳng tất cả, chỉ còn có cột mốc biên giới 92 đứng giữa ngàn lau.

Sông Hồng trên đầu nguồn Lũng Pô

8. Sông Chảy ở Lào Cai

Dòng sông khơi nguồn từ biên giới Việt Trung trên dãy Kiều Liên Ti của tỉnh Hà Giang. Sông Chảy chảy theo hướng từ đông sang tây, từ Hoàng Su Phì qua Xín Mần đến Mường Khương, tại đây lòng sông dốc và đầy thác ghềnh đã tạo ra một khe núi rất sâu và hùng vĩ.

Đến Bắc Hà, một trong những tour ưa thích của du khách là ngược dòng sông Chảy đỏ ngầu phù sa để đi chơi chợ vùng cao Cốc Ly họp vào thứ ba hằng tuần.

Sông Chảy ở Mường Khương Sông Chảy ở Lào Cai

9. Sông Mã ở Cẩm Thủy - Thanh Hóa

Trở lại Việt Nam tại Tén Tằn sau một chặng đường dài hoang dại bên nước bạn Lào, sông Mã song hành với quốc lộ 15A chảy qua Mường Lát, Hồi Xuân, Cành Nàng, Cẩm Thủy và hợp lưu với sông Chu trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Hới.

Những cung đường hai bên bờ sông Mã thật sự luôn đem lại những cảm xúc mạnh mẽ cho những cư dân yêu du lịch khám phá và mạo hiểm. Nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ khó được hình ảnh bình yên và lãng mạn của dòng sông khi nó chảy qua những bãi bồi phù sa Cẩm Thủy - Thanh Hóa...

Sông Mã ở Cẩm Thúy - Thanh Hóa

Sông Mã ở Sơn La

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
8 sai lầm dễ mắc khi đi máy bay
Việt Nam bình dị qua lăng kính của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts
Những 'cổng tò vò' có cấu trúc đẹp mắt trên thế giới
10 tư thế tốt nhất giúp bạn ngủ ngon trên máy bay
Tuyệt chiêu xếp hành lý kiểu nhà binh
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Đồng tử chăn trâu - Việt NamHình ảnh Đèo Hải Vân - Việt NamHình ảnh Hồ Hoàn Kiếm - Việt NamHình ảnh Biển Việt Nam - Việt NamHình ảnh Vịnh Hạ Long - Việt Nam
Xem tất cả hình ảnh...