Hà Nội

Bài viết

Hà thành đệ nhất xôi



Hình bài viết Hà thành đệ nhất xôi

Người Hà Nội xưa có câu truyền miệng tự hào làng nghề truyền thống như “gốm sứ Bát Tràng, lụa là Vạn Phúc, tre trúc Thu Hồng, đúc đồng Ngũ Xá, quỳ vàng Kiêu Kỵ…”. Nhưng ít ai biết thủ đô còn có một làng Tương Mai cũng “danh bất hư truyền” chỉ với những nắm xôi lúa của mình.

Từ xa xưa, gói xôi này đã không thể thiếu với các vị quan trên đường kinh lý. Thời bao cấp khó khăn, gói xôi Tương Mai lại theo anh cán bộ nghèo đi công cán. Rồi sau này, nhiều du khách quốc tế cũng xuýt xoa khen ngon khi được mời nắm xôi nóng hổi, thơm nồng trong gói lá sen xanh…

Giếng Tương Mai vừa trong vừa mát
Đường Tương Mai mới lát dễ đi
Nghề làng: xôi lúa, hành phi
Xa xôi bạn nhớ những gì quê hương.

(Đồng dao)

Từng lát đỗ màu vàng chanh rơi nhè nhẹ, phủ xuống những hạt ngô no tròn, bóng bẩy. Cô hàng khéo léo vung vẩy đôi bàn tay rắc lớp hành khô lên như điểm thêm hương, hoa cho gói xôi của mình. Mặc kệ thời gian đi qua, mặc kệ những loại bao bì nylon, giấy báo tiện dụng mới, cô vẫn lặng lẽ theo cách mẹ xưa, mộc mạc gói xôi trong chiếc lá sen xanh biếc để hương sen hòa lẫn với hương xôi. Và những ai đã một lần nếm thử gói xôi của cô, chắc chắn sẽ khó quên được hương vị quê này.

Làng xôi trên đường thiên lý

Một góc nhỏ cũng thành hàng xôi

Làng Tương Mai nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, nơi có con đường thiên lý (đường Trương Định, Quận Hoàng Mai) đi qua. Không chỉ sách sử có ghi mà cả trong ký ức các cụ già vẫn lưu truyền chuyện kể rằng ngày xưa Tương Mai từng là điểm dừng chân của người phương xa trước khi vào nội đô.

Trên con đường thiên lý, trạm Hà Mai ở đây chính là nơi nghỉ chân, đổi ngựa của quan khách trước khi chuyển công văn, giấy tờ từ trong Nam vào thành và ngược lại. Nhờ một vị trí đặc biệt như thế, người dân Tương Mai từ xưa đã biết đem những sản vật quê mình ra buôn bán, phục vụ khách qua đường. Rồi dần về sau, họ mở mang thêm hàng nước, quán ăn, nhà trọ. Phố xá Tương Mai ngày dần tấp nập hơn...

“Thương hiệu” cô hàng Tương Mai khởi nguồn từ đó. Nhưng người Tương Mai không chỉ biết làm thúng xôi lúa lót lòng khách, mà còn mở thêm cả hàng cơm, phố quán ngay tại quê hương. Và phố Mơ Cơm của làng Tương Mai đã trở thành nơi chốn đi về khó quên của bao khách phương xa từ thuở ấy. Đặc biệt, về sau, các cô hàng Tương Mai còn biết tận dụng thêm “thương hiệu” của mình đi mở hàng cơm, hàng xôi khắp thành Hà Nội, mà nhiều địa chỉ vẫn được mẹ truyền con nối theo thời gian đến tận bây giờ ở phố Hàng Bông, Cửa Nam, Thụy Khuê...

Tuy nhiên, dù gánh xôi lúa Tương Mai vang bóng như thế, không ai biết chính xác nó bắt đầu từ khi nào và do ai nghĩ ra. Bởi thế, người Tương Mai tự đáy lòng vẫn luyến tiếc không có được ngày giỗ tổ nghề để khói hương tưởng nhớ. Tâm sự với chúng tôi, các bậc cao niên ở mảnh đất này chỉ nhẹ nhàng kể rằng xôi lúa Tương Mai cũng giống như những món ăn bình dân khác. Nó là kết tinh cuộc sống của người nông dân một nắng hai sương tự nhiên nấu thành món ăn từ đồng đất quê hương. Và chắc chắn, món xôi lúa này đã có từ xa hơn cái thời những người phụ nữ Tương Mai còn quần lĩnh, răng đen gánh xôi đi bán...

Khi nghe tôi gọi điện thoại hẹn gặp để miên man chuyện “đặc sản” hàng quán quê mình, người viết sử làng Nguyễn Văn Quy, 74 tuổi, nguyên chuyên viên Bộ Giáo dục, đã hào hứng ra tận đầu làng đón. Ông cười nói như khoe về làng Tương Mai, mảnh đất đã sinh ra ông, cho ông bước đi chập chững đầu tiên, nuôi nấng ông thành đạt và đang cho nơi yên nghỉ tuổi già. Dẫn chúng tôi đi thăm làng xưa là phố Tương Mai bây giờ, ông Quy cho biết một cái làng nho nhỏ nằm phía Nam kinh thành này lại có hàng chục cụ đồ, chứng tỏ người dân xưa hiếu học biết chừng nào. Nhưng đằng sau sự hiếu học đó là câu chuyện đèn sách, giấy mực, là gánh hàng xôi, hàng cơm của người phụ nữ Tương Mai làm chỗ dựa của chồng con…

Bốn đời, một gánh xôi

Gia đình ông Nguyễn Văn Quy có được ngày hôm nay là nhờ gánh xôi lúa

Trong một gia đình ít nhất có bốn đời quang gánh với hàng xôi, ông Quy xúc động kể về món ăn dân dã của làng Tương Mai này bằng một tình cảm đặc biệt. Ngày xưa, gánh xôi trĩu nặng vai gầy của bà đã nuôi nấng cha mẹ ông nên người.

Lớn lên, mẹ ông lại ghé vai vào quang gánh thay bà để lo cho chồng, con. Rồi sau này, vợ ông lại cáng đáng thay mẹ chồng lo chuyện cơm áo, công danh cho chồng con. Ngay cả khi ông Quy đã thành anh giáo, bởi đồng lương thời bao cấp còi cọc của ông không đủ lo cho gia đình, nên gánh lo toan vẫn đặt lên vai người vợ ở nhà.

Tuy nhiên, ngoài giờ đi dạy, ông Quy vẫn vào bếp phụ vợ vào những buổi tối và sớm mai. Ông chia sẻ với người bạn trăm năm của mình việc cần sức đàn ông như cầm chày giã ngô. Mãi sau này, khi con cái trưởng thành, vợ ông mới để lại gánh hàng cùng công thức nấu xôi cho cô con gái kế tục ở chợ Nguyễn Công Trứ. Rồi con dâu của ông cũng theo chị đưa hàng xôi ra chợ…

Bây giờ, tuy đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng ông Quy vẫn tự hào tâm sự không ngớt về gánh xôi mấy thế hệ của gia đình mình. “Trông quê mùa, dân dã thế, nhưng xôi lúa Tương Mai đã nuôi chúng tôi có ngày hôm nay”. Ông kể chúng tôi nghe thêm có đứa cháu đang du học bên Pháp, chúng vẫn thường viết thư tỉ tê hỏi han chuyện gánh xôi của mẹ đã góp phần nuôi nấng chúng ăn học hơn người.

Bây giờ, ngoài nhà ông Quy, Tương Mai vẫn còn một số gia đình khác cũng đang tiếp nối gánh hàng từ bao đời trước để lại. Có người khá lên, có người vẫn nghèo như xưa kia, nhưng hình như chẳng mấy ai dễ dứt được nghiệp quang gánh đưa món ăn mộc mạc của làng quê lên phố chợ này.

Suốt cả buổi sáng, chúng tôi ngồi say mê xem bà cụ Mẫn phụ con cháu đồ xôi. Bà cụ năm nay đã 83 tuổi, bàn tay nổi chằng chịt những gân trông như rễ khoai. Ngày xưa, bà bán xôi có duyên và gánh xôi của bà nổi tiếng nhất nhì trong làng. Hồi chiến tranh, chồng bà đi bộ đội. Gánh nặng gia đình đè trĩu lên vai bà. Một thời sớm hôm, bà phải buôn thúng bán bưng để nuôi năm người con ăn học. Nhưng bản tính nhu mì, buôn bán không lại với người ta, nên bà quay về nghề làng, làm xôi lúa như cha mẹ xưa đã từng làm. Thời bấy giờ thực phẩm không có sẵn, bà Mẫn chạy hết chợ này đến chợ khác để chọn gạo, chọn đỗ, chọn từng chiếc lá sen gói bánh...

Tuy nhiên, sau nỗi nhọc nhằn của một người phụ nữ nặng gánh gia đình, bà vẫn vui lắm. Bởi thúng xôi đắt khách của bà nuôi đủ năm con ăn học nên người, để bà không thẹn với chồng đang chiến chinh phương xa. Bây giờ, bà Mẫn đã tuổi cao sức yếu, không thể thức khuya dậy sớm nấu xôi như trước. Bà dựng gian bán đồ thờ ở cửa nhà, buôn bán nhẹ nhàng lại đỡ buồn tay chân. Nghề xôi lúa bà truyền lại cho hai cô con dâu. Thỉnh thoảng, bà phụ giúp con dâu bán xôi cho đỡ nhớ. Gánh xôi từ vai mẹ chuyển sang vai con. Rồi lại chuẩn bị đặt lên vai cháu…

Miếng ngon nên tình
Phải đâu chàng nói mà nên
Vì gói xôi lúa lá sen quê chàng.

Xôi lúa ăn quanh năm, nhưng ngon nhất là vào những hôm tiết trời se lạnh, cuối thu, đầu đông. Lúc ấy, người ta mới cảm nhận hết giá trị của miếng hành phi giòn tan trong miệng và đặc biệt là chút mỡ nước làm mềm xôi. Ngày xưa, cô hàng xôi kỹ tính chỉ phi hành khô với mỡ thăn nên miếng hành cứ thơm giòn mà không quá ngậy mùi mỡ. Nhiều người thích xôi lúa vì không cưỡng lại vị ngon hấp dẫn của miếng hành khô phi bằng mỡ thăn này.

Xôi lúa len lỏi qua từng con ngõ nhỏ
Đối với người Tương Mai, nghề làm xôi lúa và gánh xôi đã trở thành cái gì đó rất đỗi đặc biệt. Người Tương Mai nói vui rằng khi mở mắt đã thấy xôi lúa, đã thấy những gánh hàng chín rạn hai vai của bà, của mẹ. Khi lớn lên một chút biết phụ mẹ làm xôi, con gái thì bóc, phi hành, con trai biết nắm từng nắm đỗ đã đồ kỹ thành quả đỗ lớn to như quả bưởi Diễn. Món xôi lúa lích kích nhiều công đoạn và vì thế lôi kéo cả gia đình cùng làm. Và ở một khía cạnh nào đó, xôi lúa chính là nguyên nhân để thắt chặt tình cảm gia đình, anh em, vợ chồng.

Thậm chí, xôi lúa cũng trở thành cái cớ lên duyên lứa đôi, trở thành tiêu chí để mẹ chồng đánh giá cô con dâu mới về có biết làm và làm ngon món xôi lúa không (điều này đồng nghĩa với việc cô con dâu đó có đảm hay không, có cáng đáng nổi công việc nhà chồng hay không).

Xôi lúa là món ăn hoàn toàn dân dã, không như các loại xôi khác còn gắn với phong tục thờ cúng, hội hè, cưới hỏi. Người ta làm xôi lúa chỉ để đem bán. Đối với cô con dâu mới về, bà mẹ chồng truyền đạt “bí kíp” nấu xôi để phòng khi giáp hạt hay gặp thời cuộc khó khăn, còn có gánh xôi cứu cánh cho kinh tế gia đình.

Làm xôi lúa đặc biệt vất vả, không những người phụ nữ phải chịu thương chịu khó mà còn phải có sức khỏe tốt. Xôi lúa buộc người ta phải dậy từ lúc hai giờ sáng, dậy lúc ấy mới kịp đồ xôi, bung ngô để kịp phục vụ cho những thực khách đi làm ca đêm trở về, làm ấm lòng người lao động buổi sớm... Xôi ngon, đắt khách thúng xôi chỉ chừng 8 giờ sáng là hết. Cô hàng xôi lại trở về mua thực phẩm để chuẩn bị cho món xôi lúa bán vào hôm sau.

Bà Mẫn kể cho chúng tôi nghe muốn nấu thành món xôi lúa ngon, người chế biến cần chọn loại gạo nếp mẩy, trắng, đều hạt. Riêng ngô thì cần loại ngô nếp già, thứ hạt quá lứa lỡ thì, hấp thụ hết nắng gió mà đanh lại. Cô hàng xôi đem vo, đãi sạch rồi qua ba lần lửa (ba lần đun nấu). Lần thứ nhất cho ngô vào nước lã có pha nước vôi trong rồi đun, khi nào sôi thì đổ ra mặt nong nia để chà xát cho tách hết phần vỏ cứng bên ngoài hạt ngô. Lần thứ hai cho ngô vào nước sạch nấu đến khi hạt ngô mềm, căng tràn mùi ngô chín tới. Lần thứ ba cho ngô vào gạo nếp dùng chõ đồ lên thành xôi ngô.

Đỗ xanh đãi sạch, bỏ vào chõ đồ chín, giã nhuyễn. Và khi đỗ vẫn còn nóng, người ta dùng tay không để nắm lại, nắm từng quả đỗ tròn nhỏ đắp lên nhau cho đến khi nắm đỗ to bằng quả bưởi Diễn. Nắm đỗ chặt, không ướt quá khi cắt miếng đỗ sẽ bị bết và cũng không quá khô vì khi cắt đỗ, miếng đỗ sẽ rời rạc. Hành khô xắt miếng cho vào chảo mỡ phi đến khi nào miếng hành chín đều, giòn mà không gãy vụn.

Những năm gần đây, Hà Nội bớt đi những gánh xôi bởi đã có nhiều hàng quán khác. Ngay ở Tương Mai cũng chỉ còn vài chục hộ đeo đuổi làm xôi lúa. Thời cuộc thay đổi, kinh tế phát triển, một số người trẻ Tương Mai chọn những nghề khác nhàn nhã, hợp với cuộc sống hiện đại hơn. Chỉ có điều mỗi khi sa cơ lỡ vận, cô gái Tương Mai vẫn nhớ về với thúng xôi lúa, với công thức nấu xôi của bà của mẹ từ ngày xưa…

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
Những tuyến phố có vỉa hè đẹp ở Hà Nội
UBND Hà Nội và VNA hợp tác quảng bá du lịch năm 2017-2021
Những ngôi chùa linh thiêng để cầu may ở Hà Nội
Những địa điểm đi trốn tuyệt đẹp gần Hà Nội
Check-in tại khu vườn Disney ngay ngoại ô Hà Nội
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Hanoi Cathedral - Hà NộiHình ảnh Hoan Kiem Lake in Hanoi - Hà NộiHình ảnh Ngoc Son Temple - Hà NộiHình ảnh Chuong Duong Bridge - Hà NộiHình ảnh Hanoi-Puppettheatre - Hà Nội
Xem tất cả hình ảnh...