Tam Cốc - Bích Động

Bài viết

Du ngoạn trên dòng Ngô Đồng



Hình bài viết Du ngoạn trên dòng Ngô Đồng
Ewen Bell là phóng viên người Anh. Ông đã có một chuyến đi đầy thú vị đến VN và ghi lại cảm xúc của mình gửi cho một người bạn VN. Xin giới thiệu với độc giả góc nhìn của một người nước ngoài về con người và đất nước VN.

Dòng sông chảy chậm rãi đến nỗi làm người ta tưởng như nó không chuyển động. Phía bên dưới mặt nước, đáy sông đủ trong để bạn có thể nhìn thấy cây cỏ dật dờ uốn lượn. Và lằn ranh giữa đất và nước chỉ đâu đó ẩn hiện bên dưới những vạt lúa hay dưới chân những đám sen mọc tự nhiên đang mùa trổ hoa. Chuyến du ngoạn Tam Cốc Bích Động của tôi đã bắt đầu trong khung cảnh như thế.

Hơn một tuần lang thang từ Hà Nội đến những con đường núi ngoằn ngoèo của vùng Tây Bắc, tôi tưởng mình đã được ngắm nhìn hết thảy các kiểu ruộng lúa ở VN, những người phụ nữ cấy trong các thung lũng mù sương, những người đàn ông đánh trâu bừa trên những thửa ruộng bậc thang và trên những ruộng lúa nước của vùng đồng bằng, trẻ con nông thôn giúp cha mẹ làm đồng. Ấy vậy mà tôi đã phải một lần nữa ngạc nhiên khi đến nơi này.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là một quần thể du lịch, một địa danh nổi tiếng từ xa xưa, thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; cách thủ đô Hà Nội 100 km về phía nam. Nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ, thiên tạo, với nhiều hang động, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.

Muốn đi thăm Tam Cốc chỉ có một con đường thủy duy nhất xuôi theo dòng Ngô Đồng đi xuyên qua ba hang núi, bạn sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ ảo của những thạch nhũ và quang cảnh thanh hình hai bên bờ bạt ngàn lúa và sen.

Chỉ cách Hà Nội chưa đầy trăm cây số, ngay giữa vùng đồng bằng, tôi đã gặp những ngọn núi đá vôi nối nhau nằm rải rác trên cả một cánh đồng lúa rộng mênh mông, không hề có biên giới giữa đất và nước, giữa ruộng và sông, tất cả hòa làm một. Khung cảnh này một nghìn năm trước đây là kinh đô của một triều đại mà cho đến nay nhiều di tích của nó vẫn còn hiện diện.

Và cuộc sống của người dân thì hình như chưa bao giờ thay đổi. Họ vẫn sống trong những ngôi nhà tranh tựa mình vào núi đá, nền nhà đắp cao tránh những lúc nước lên. Khi đò của tôi tiến sâu vào giữa cánh đồng, nhà cửa cứ thưa dần, chỉ có những ngọn núi đá thì càng lúc nhiều thêm.

Ánh nắng ấm áp của buổi bình minh ngời lên qua những rặng núi, đem lại sức sống cho cây cối mọc um tùm trên vách đá và như mài sắc hơn những đỉnh núi đá thẫm mầu. Sự tĩnh lặng mới thật kỳ diệu. Không một tiếng động cơ, không một tiếng còi xe, không một âm thanh của những va chạm đời thường, chỉ có tiếng kẽo kẹt khoan thai của mái chèo và tiếng rẽ nước ì oạp sau mỗi nhịp lướt nhẹ của con đò.

Chị lái đò tên là Chu Vân, luôn mỉm cười đáp lại khi chúng tôi nhìn chị. Bằng cảm nhận của bản thân mình, từ nụ cười ấm áp và tư thế thoải mái khi chèo đò của chị, tôi tin là chị thật sự rất hạnh phúc với công việc này. Tiếng Anh chỉ đủ giao tiếp đơn giản nhưng thứ tiếng Pháp khá sõi của chị thật sự làm tôi ngạc nhiên. "Ở đây yên tĩnh đến mức anh có thể nghe được cả tiếng đập cánh của những con bướm đấy", chị nói.

Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết chị từng làm hướng dẫn viên cho cả khách Trung Quốc. Và ngay lập tức, bằng thứ tiếng Trung khá trôi chảy, chị kể cho tôi nghe về 2 đứa con của chị, về quãng đường 10 cây số đến trường hằng ngày của chúng. Thực lòng là tôi hơi xấu hổ. Nếu vốn tiếng Trung của tôi khá một chút, tôi đã biết thêm rất nhiều chuyện về gia đình chị.

Bướm bay rợp trên mặt sông Ngô Đồng. Chúng thật nhẹ nhàng, xinh đẹp và thường xuyên đổi hướng bất ngờ mà không một dấu hiệu báo trước. Những ngọn núi đá bao quanh khu này tạo nên những vịnh nhỏ và chúng tôi đã phải luồn lách rất thận trọng giữa những vách núi.

Trong cả hành trình, chúng tôi ba lần phải luồn qua những núi chắn giữa dòng sông, tất nhiên vẫn trên con đò dập dềnh. Sâu trong hang loài bướm không tới được nhưng ngay khi thoát khỏi cửa hang phía bên kia, chúng lại hiện ra phấp phới. Ở những nơi dòng sông chảy chậm lại đến mức tưởng chừng như đứng yên và nước cũng quá sâu để có thể trồng lúa thì thay vào đó sen mọc bạt ngàn. Những tán lá sen vươn rộng che phủ kín mặt nước. Nổi bật trên cái nền xanh mướt ấy là hàng ngàn hàng vạn bông sen hồng tươi tắn và dịu dàng.

Chị Chu Vân kể với chúng tôi rằng, nếu một người con trai tìm thấy một bông sen tuyệt đẹp thì điều đó có nghĩa là anh ấy cũng sẽ sớm tìm thấy một tình yêu đích thực cho mình. Tôi thầm nghĩ, ở một đất nước có truyền thống về đạo Phật như VN, nơi mà những bông hoa cũng mang một ý nghĩa nào đó, thì cái hình ảnh thanh tao của một bông hoa vươn lên khỏi bùn để đón ánh mặt trời chính là một ẩn dụ về sự khai sáng và giải thoát trong cái thế giới đầy đau khổ này. Hoa sen không chỉ đơn thuần để ngắm. Nhụy hoa khi còn non được hái về để ướp chè, còn sau khi hoa tàn, đài hoa lại cho ta những hạt sen trắng có vị thanh mát và thơm bùi.

Tại cái hang cuối cùng trên sông, chúng tôi gặp những người bán quà vặt rong ruổi trên những con đò. Họ đang bán những chiếc gương sen mà ta có thể ăn luôn hạt bên trong, vài chai nước ngọt và một ít bánh trái hoa quả. Đối với chị Chu Vân, khó khăn là phần đường quay về vì sẽ phải ngược dòng trở lại nơi xuất phát.

Nếu ví với lúc xuôi dòng, chúng tôi rong ruổi như một chú bướm thì lượt về chiếc đò như một cánh chuồn chuồn vậy. Khi thấy một vài chiếc thuyền phía sau, chúng tôi bảo chị chèo chậm lại. Chẳng mấy chốc những chiếc đò kia cũng bắt kịp đò của tôi, tất cả đều là đò chèo tay. Trong số đó có cả một ông già mà người ta dễ liên tưởng đến một hậu nhân của Khổng Tử, với nụ cười hồn hậu ẩn sau một bộ râu dài bạc trắng.

Nhưng thay vì một chiếc nón lá theo kiểu truyền thống, ông lại đội một chiếc mũ phớt từ những năm đầu thế kỷ, điều này làm chúng tôi thấy rất thú vị. Còn thú vị hơn khi chúng tôi nhận ra ông đang điều khiển mái chèo bằng chân một cách thành thạo. Rồi chúng tôi cũng về gần tới Tam Cốc, nơi có khá nhiều nhà nghỉ dành cho du khách, những người muốn có những đêm yên tĩnh cách xa Hà Nội náo nhiệt. Tuy nhiên, tới đây thì những âm thanh khua nước yên ả của mái chèo cũng đã bị những âm thanh của đời thường, tiếng chèo kéo khách, tiếng mặc cả làm mờ đi đáng kể.

Đi ngang qua vạt sen cuối cùng trước khi cập bờ, tôi bỗng thấy một đàn bướm đang lượn quanh những hoa sen đang nở rộ. Và chỉ trong một tích tắc, tôi nghĩ mình đã thật sự nghe được tiếng đập cánh của những con bướm kia.

Theo dulich.tuoitre.com.vn

 



Bài viết liên quan
Mùa vàng về Tam cốc
Vàng ươm Tam Cốc mùa lúa chín
Kỳ thú Tam Cốc
'Hạ Long cạn' ở Ninh Bình
Du ngoạn trên dòng Ngô Đồng
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Đường vào Bích Động - Tam Cốc - Bích ĐộngHình ảnh Tam Cốc - Tam Cốc - Bích ĐộngHình ảnh Xuôi dòng Tam Cốc - Tam Cốc - Bích ĐộngHình ảnh Tam Cốc - Vịnh Hạ Long thu nhỏ - Tam Cốc - Bích Động