Thái Lan

Bài viết

Đi bụi trên đất Thái



Hình bài viết Đi bụi trên đất Thái

 

dl11.jpgKhởi hành lúc 22h30 từ tỉnh Khon Kaen, sau một đêm ngủ vật vờ trên xe khách cuối cùng tôi cũng đặt chân tới Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai Thái Lan, khi trời vừa rạng sáng. 

Mọi người lục đục xuống xe rồi trong chốc lát đã tản mạn theo những chiếc xe tuk tuk đang chờ sẵn. Tôi quyết định đến phố Tây ba lô trên đường Charoen Prathet.

Đó là con đường toạ lạc về hướng đông nam thành phố và nếu nhìn vào bản đồ, nó gần như chạy dọc bờ sông Ping uốn khúc. Chưa hết, con phố này còn nối với đại lộ Chiang Klan, bằng nhiều đoạn đường xương cá, nơi hằng đêm tổ chức phiên chợ Bazar Night nổi tiếng đông đúc, sôi động. Ở đây có những công ty, trạm du lịch chuyên tổ chức tour dã ngoại với giá rẻ dành cho khách mê leo núi, chèo xuồng vượt thác khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoặc mạo hiểm đến tận Tam Giác Vàng, xâm nhập sào huyệt Khun Sa, trùm sản xuất ma tuý xưa kia, hoặc lang thang lên miền thượng du Mea Hong Son tìm hiểu bản sắc thổ dân Padong cổ dài.

Xứ sở của chùa chiền

Ở Chiang Mai có tới 300 ngôi chùa cổ, kiến trúc đặc sắc, song với quỹ thời gian quá eo hẹp tôi chỉ được dịp viếng chùa Phrathat Doi Suthep nằm bên sườn núi Suthep trên độ cao 1.315m so với mặt biển. Người Thái Lan nói: “Đây là thánh địa linh thiêng nhất, cầu gì được đấy”, có lẽ vì thế mà Wat Phrathat Doi Suthep luôn luôn tấp nập tín đồ mộ đạo, khách nước ngoài đến từ khắp mọi nơi.

dl21.jpg

Chùa Một Cột theo nguyên mẫu chùa ở Việt Nam mới được hoàn thành

Từ Chiang Mai chúng tôi quyết định đi Mae Sai nhưng muốn vậy phải đến tỉnh Chiang Rai. Đường đến Chiang Rai chỉ hơn 150km nhưng đến giữa trưa xe chúng tôi mới tới bến. Có thể do xe chạy chậm khi gặp đường đèo liên tục quanh co mà hai bên là vách núi và vực sâu hun hút hoặc mất thời gian vì phải dừng lại nhiều lần để lực lượng cảnh sát Thái Lan kiểm tra hộ chiếu cùng hành lý. Tiếp tục đổi phương tiện vào Mae Sai, một thành phố khá sầm uất nằm phía cực bắc Thái Lan, cách Chiêng Rai non 80km, đây là cửa ngõ quan trọng thông thương Thái Lan với vùng biên ải đất nước Myanmar. Lần này chúng tôi bắt buộc phải ngồi trên xe đò cũ kỹ, chất đầy hành lý chẳng khác loại xe thập niên 60.

Lên đây tôi vẫn thích nhất được ngắm nhìn lãnh thổ hai nước: những nhà cao tầng, phố xá nhộn nhịp bên đất Thái, những con phố vắng người, bản làng xa xăm, cả ngôi tháp dát vàng sáng chói, bản sao từ chùa vàng Shwedagon nổi tiếng ở Yangon nằm phía đất Myanmar.

Miền sơn trấn Myanmar

Sau 10 phút làm thủ tục xuất cảnh hoàn toàn miễn phí tại cửa khẩu Mae Sai – Thái Lan, chúng tôi đặt chân lên cầu Hữu Nghị và tiến thẳng tới cửa khẩu Tachilek thuộc bang Shan – Myanmar. Ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt, viên sĩ quan thường trực phòng nhập cảnh thông báo: “Bên Myanmar sẽ cấp cho quý vị giấy thông hành du lịch dán ảnh chụp qua digital camera, có giá trị trong vòng 14 ngày với lệ phí 10 USD hoặc 500 baht. Riêng hộ chiếu, khách gởi bộ phận lưu giữ và được nhận lại lúc quay về Thái Lan”.

dl31.jpg

Tháp vàng trong Wat Phrathat Doi Suthep, Chiang Mai

Chúng tôi khá bất ngờ, bởi lẽ hiện nay Myanmar chưa miễn thị thực nhập cảnh như Thái Lan, Lào, Malaysia, Singapore, Indonesia, v.v… nhưng lại dễ dàng cấp giấy thông hành biên giới có giá trị ngần ấy thời gian thay vì cấp visa trên hộ chiếu cá nhân giống Campuchia. Hoá ra, đi rồi mới thấy thực chất nó quá dư thừa nếu người ta qua đây vì mục đích du lịch. Tachilek, thị trấn nhỏ nằm kề biên giới, nay được đổi tên thành phố Tam Giác Vàng mà bình thường chúng tôi chỉ cần ba tiếng đồng hồ tham quan, xe tuk tuk đã đưa về chốn cũ. Riêng trường hợp muốn tiếp tục vào sâu lãnh thổ Myanmar, kể cả cố đô Yangon, khách bắt buộc đăng ký xin visa chính thức với chi phí 45 USD. Rồi còn phải chờ mua vé máy bay do đường bộ chưa thật sự an toàn.

dl41.jpg

Người Padong ở Tachilek, Myanmar

Thông thường, trừ số ít người Thái Lan hàng ngày vượt biên qua Tachilek để cờ bạc thâu đêm bên khu vực casino, còn phần đông đều đi chùa cầu phúc và chiều về ghé chợ biên giới mua sắm mặt hàng Trung Quốc được nhập khẩu từ tỉnh Vân Nam. Với người nước ngoài thì chọn cho mình điểm dừng chân là bản làng người dân tộc thiểu số mặc dù nơi đây giá vé vào cổng khá cao: 140 baht/người. Chắc hẳn họ đến đây trước tiên vì tính hiếu kỳ về tập tục kỳ lạ có vẻ khắc nghiệt của người phụ nữ thổ dân Padong chuyên đeo những vòng kiềng bằng đồng quanh cổ. Và nếu nhìn từ xa giống quả bưởi đặt trên ống kim loại sáng choé. Tôi cũng được cô hướng dẫn bản địa giới thiệu bà Mita, người “cổ dài” nhất làng với 22 chiếc vòng và tổng cộng nặng hơn 12kg. Sau hết là buổi biểu diễn múa của nhóm phụ nữ Akha trong bộ trang phục lạ mắt nhưng không kém phần độc đáo.

( Theo 24h)



Bài viết liên quan
Du khách bị bắt vì cho cá ăn
Du ngoạn Thái Lan 3 ngày chỉ với 3 triệu đồng
Tour Thái Lan vẫn khởi hành, đổi điểm tham quan
Tour Thái Lan vẫn khởi hành, đổi điểm tham quan
Bạn nên làm gì khi đến Thái Lan đúng dịp quốc tang
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Cung điện Hoàng Gia Thái Lan - Thái LanHình ảnh Thailand_flag.jpg - Thái LanHình ảnh Trung tâm thành phố nhìn từ tàu trên không - Thái LanHình ảnh Trung tâm Bangkok nhìn từ sông Chrao Phaya - Thái LanHình ảnh Chùa Vàng Bangkok - Thái Lan
Xem tất cả hình ảnh...