Hà Giang

Bài viết

Đi 'bụi' Hà Giang mùa đông



Hình bài viết Đi


ảnh
Quản Bạ buổi sáng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ở vùng đất cực bắc này, đường đèo nối nhau quanh co uốn lượn. Cái cảm giác bò loanh quanh một quả núi rất thú vị, bạn thấy mình trèo lên từng tầng một của con đường, thoắt một cái thì đoạn đường vừa qua đã nằm ở tầng dưới.

Vào mùa đông, du khách vẫn có thể thực hiện chuyến đi bằng xe máy, chỉ cần mặc đồ thật ấm (áo jacket lông vịt, găng tay, mũ len) là hoàn toàn ổn. Đường đi về các huyện đều là đường nhựa, êm ru ru. Đường đèo tuy hơi lắt léo nhưng chỉ cần chạy chậm, bám sát tim đường là vẫn chạy tốt được.

Nếu thuê xe máy để đi, nên thuê sớm hơn để kiểm tra xe, sửa chữa. Dọc đường đi, bạn sẽ khó tìm thấy chỗ sửa xe, vào trung tâm huyện mới có vài tiệm. Nếu thuê xe máy thì chi phí có thể ngang ngửa đi xe đò + xe ôm song tha hồ thong dong.

Đi xe khách

Bến xe Mỹ Đình - Hà Nội luôn có 2 chuyến xe đi Hà Giang: 4h sáng và 5h sáng. Bạn nên ra sớm để có thể kiếm được chỗ tốt. Xe đò miền Bắc không như miền Nam - không có số ghế, chở nhồi nhét, hàng hóa chung với người. Bạn nào bị say xe nên cân nhắc cẩn thận phương án đi xe đò. Giá vé Hà Nội - thị xã Hà Giang: 70.000đồng. Đi khoảng 6 tiếng.

Tại thị xã Hà Giang và các huyện, mỗi ngày đều có trung bình 2-3 chuyến xe đi giữa các huyện với nhau (khi lên xe, nên hỏi ngay giờ giấc chi tiết cho chuyến xe tới). Giá xe đò đi lại giữa các huyện thì từ 20.000 đến 50.000 đồng (tùy theo quãng đường).

Tôi đi Quản Bạ trên một chuyến xe "bão táp". Xe 24 chỗ nhét gần 70 người. Ngồi ngược, chân co, lưng tựa bao gạo. Các anh Mèo say rượu thì đeo bám ở cửa xe, quang cảnh rất náo nhiệt. Bác tài bảo: nếu đi đừng đi cuối tuần vì học sinh về nhà nhiều. Các nhà xe ở Hà Giang rất dễ thương và nhiệt tình.

Huyện Quản Bạ là một trong những huyện khang trang nhất Hà Giang. Thị trấn Tam Sơn phố xá ngăn nắp và hiền hòa. Nhà nghỉ Tam Sơn ở đây rất xinh xắn, nằm bên thung lũng, phòng sạch sẽ giá 100.000đồng/đêm.

Buổi tối đi bộ lòng vòng ăn bánh trôi. Sáng hôm sau thuê xe ôm (60.000đồng nguyên chuyến) ra khu vực Cổng Trời, Núi Đôi (cách nhà nghỉ chừng mươi cây số), vào xã Quyết Tiến đi chợ phiên, sẵn đi tìm mấy cánh đồng hoa tam giác mạch mà không thấy đâu. Nếu bạn có ý định đi chợ phiên Đồng Văn (ngày chủ nhật) thì không cần phải đợi chợ phiên Quyết Tiến. 

Đồng Văn

ảnh
Ngôi làng cổ ở Phó Bảng.
Ảnh: Tuổi Trẻ.

Xe đi Đồng Văn vẫn "nhồi nhét" khách. Nhưng đi xe đò nhiều cái vui: có thể nói chuyện rôm rả với tài xế, vợ tài xế, phụ xe, cả hành khách đi xe. Người Hà Giang thân thiện và nhiệt tình hiếm thấy. Vợ chồng chị chủ xe mời về nhà ăn cơm.

Nhà nghỉ Hoàng Ngọc được cánh tài xế mách cho là tốt nhất, nên cư ngụ tại đây. Nhà nghỉ này nằm ngay gần phố cổ (phố chỉ bé tí thôi) 120.000đồng/phòng, có nước nóng.

Đồng Văn lạnh hơn so với những nơi khác, ban đêm, nhiệt độ xuống khoảng 6-7oC.

Ngày Chủ nhật có chợ phiên. Sáng sớm nhìn từ ban công xuống đã thấy các anh Mèo gánh heo, dắt bò lũ lượt ra chợ. Chợ Đồng Văn họp khu chợ cổ, rất tấp nập.

Lũng Cú, Phó Bảng

Bác xe ôm cho giá vào Lũng Cú là 60.000đồng. Đi buổi sáng nắng ấm, đường đèo thì vòng vèo đẹp mắt.

Phó Bảng là một thị trấn biên giới, ngay sát Trung Quốc. Từ Đồng Văn vào Phó Bảng khoảng 20km. Bạn có thể thuê xe ôm vào, chơi loanh quanh rồi chiều thuê xe ôm ra. Đi xe khách thì có giá 10.000 đồng. Dặn trước với khách sạn, sáng khoảng 6h sáng xe khách ghé đến đón, khoảng 7h là đến ngã ba Phó Bảng.

Từ đây vào Phó Bảng còn 5km nữa, có thể đi xe ôm vào. Nhưng đi bộ thì bạn gần với con đường, gần với thiên nhiên xung quanh hơn là xe máy. Đi bộ chậm hơn, thong dong hơn, ngắm những rặng núi và đường đèo bên dưới đẹp tuyệt vời. Không khí lại trong lành, mát lạnh rười rượi.

Trên đường có nhiều người dân tộc cũng đi bộ. Trước khi đến làng thì nhìn thấy một căn nhà nhỏ giương bảng "Cà phê Trung Nguyên". Thế là tấp vào uống cà phê, tranh thủ sạc pin máy ảnh. Trong nhà có vài chiếc bàn con, tôi ngồi uống cà phê như khách của gia đình ấy.

Chợ Phó Bảng (chợ lùi - một tuần họp một lần, cứ đến tuần tới thì lại lùi 1 ngày) có ít người hơn Đồng Văn, nhưng cũng đầy đủ quần áo, khăn, giày, heo bò, thắng cố. Quần áo và giày chắc chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Ngôi làng ở Phó Bảng rất đẹp, nhà cửa mang nhiều nét của người Hoa. Đến đây, du khách có thể bất ngờ vì ngôi làng miền núi giáp biên giới lại có thể đẹp, tươm tất và khang trang như vậy.

Theo vnexpress.net


Bài viết liên quan
Săn biển mây bồng bềnh ở 'núi 9 tầng thang'
Yasushi Ogura và quán cà phê Cực Bắc cho người Lô Lô
Thăm Hà Giang vào mùa đẹp nhất
Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang
Cô gái 9X băng đèo chinh phục cột cờ Lũng Cú trong đêm
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Lũng Cú - Hà GiangHình ảnh Núi đôi Quản Bạ - Hà GiangHình ảnh Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phi - Hà GiangHình ảnh Nhà người Tày ở Hà Giang - Hà GiangHình ảnh Sông Lô  - Hà Giang
Xem tất cả hình ảnh...