Quảng Ngãi

Bài viết

Ấn tượng "theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm"



Hình bài viết Ấn tượng "theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm"

Đoàn chúng tôi quyết định đi Quảng Ngãi bằng một phương tiện rất hấp dẫn, đó là đi xe lửa. Chỉ sau 14 giờ tàu chạy vượt qua khoảng 800 km, quê hương của “Núi Ấn-Sông Trà” hiện dần lên trong ánh bình minh.

Những cánh đồng xanh ngát, những rặng dừa nghiêng nghiêng, những đồi núi nhấp nhô trên đỉnh còn nghi ngút làn sương đêm…Đây chính là vùng đất Đức Phổ - Quảng Ngãi, nơi bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng những người đồng đội đã từng sát cánh bên nhau sống và chiến đấu trong suốt những tháng năm chiến tranh đầy khốc liệt.

Đi thuyền, băng rừng, thăm bệnh xá chị Thùy

Ngày đầu tiên của chương trình, chúng tôi đã về huyện Đức Phổ, đây là huyện nằm phía nam của thành phố Quảng Ngãi và cách thành phố khoảng 50km.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là hồ thủy lợi Liệt Sơn. Hồ Liệt Sơn cũng tựa như hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) với diện tích lưu vực 36 km2, trải dài tận những khu rừng sâu. Rừng núi chập chùng uốn lượn trong tiết trời mát dịu không khác gì với thắng cảnh của thành phố Đà Lạt. Rừng cây trên những ngọn đồi chung quanh hồ mang sắc thái của rừng nhiệt đới.

Đi thuyền tham quan hồ Liệt Sơn
Những chiếc thuyền trang bị đầy đủ áo phao rẻ nước mặt hồ, đưa chúng tôi tham quan một vòng trong cảm giác mát lạnh, thư thái đến lạ thường. Mọi người trong đoàn chúng tôi đều bất ngờ với không gian sơn thủy hài hòa nơi đây.

Xa xa dãy núi bên kia bờ hồ là những trạm xá trong thời gian chiến tranh, nơi bác sĩ Đặng thùy Trâm cùng đồng đội của mình đã chăm sóc và cứu sống những người chiến sĩ, những người dân bị thương tích trong những trận càn hoặc những cuộc không kích ác liệt…

Những bệnh xá dã chiến, những căn hầm trú ẩn, những bến suối nơi chiều chiều chị Đặng Thùy Trâm khóc thầm tiễn đưa đồng đội…bây giờ chỉ còn là những dấu tích dưới những lá rừng mục nát...

Điều đáng mừng hơn trong những ngày tham quan các tuyến điểm du lịch trong chương trình du lịch “Theo dòng Nhật ký Đặng Thùy Trâm…” do Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist tổ chức, chúng tôi được biết huyện Đức Phổ đang khẩn trương lên kế hoạch khảo sát và phục hồi lại những con đường dẫn đến trạm xá và những hầm công sự cũng như các khu vực hoạt động của trạm xá ngày trước.

Tham quan vòng cung biển Sa Huỳnh

Tham quan cung đường biển

Tại thôn Quy Thiện thuộc xã Phổ Khánh (Đức Phổ-Quảng Ngãi), ánh nắng vàng đổ tràn lên những rặng núi xanh, những đám rẫy khoai mì cao ngang tầm mắt.

Đoàn chúng tôi thực hiện một tour dã ngoại, băng qua những dãy đá chồng chất ngổn ngang, đến với một trạm cấp cứu tiền phương nằm trên sườn ngọn núi Dâu. Trên lưng chừng núi Dâu là trạm tiền phẩu, là nơi công tác đầu tiên của Thùy Trâm khi vào chiến trường miền Nam trong suốt tháng 3 -1967.

Đó là những hang đá tự nhiên, bí mật và có sức chứa đến hàng trăm thương bệnh binh. Trong ánh nắng vàng buổi chiều, đứng ở núi Dâu nhìn về những thôn xóm xa xa dưới chân núi, khung cảnh này chắc hẳn sẽ làm níu chân nhiều du khách.

Buổi tối, chúng tôi ngồi quây quần bên ánh lửa, cùng với các chiến sĩ đồn biên phòng đọc lại những dòng nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, hòa trong tiếng vỗ dịu dàng của sóng biển Sa Huỳnh...

Và không gì thú vị bằng khi bạn lên chiếc tàu đánh cá của ngư dân, nhấp nhô chạy theo một cung đường biển ven mũi Sa Huỳnh. Những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp được phân cắt bằng những gềnh đá nhô ra biển. Biển xanh ngắt, những bãi cát dài, lơ thơ những hàng dương và hàng quán…kèm theo cái nắng gay gắt.

Tắm ở thác Trắng
Bất ngờ…đảo khỉ và thác Trắng

Càng bất ngờ, từ đảo khỉ, với gần 500 con, sinh sống biệt lập với con người với thức ăn chính là sò ốc, cua còng trên những gềnh đá. Theo cư dân địa phương, đàn khỉ này chỉ xuất hiện vào buổi sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn…

Sau hơn 4 giờ khảo sát vòng cung biển Sa Huỳnh, chúng tôi trở về đất liền thưởng thức một bữa cơm với những đặc sản mang đậm hương vị vùng biển: cua Huỳnh Đế, cá bống Sơn Trà, cá mú sông Vệ…

Lần này chúng tôi được khám phá những vùng cao của Quảng Ngãi, nơi đó là vùng cư trú của ngưới Ca Dong, H’Rê, Cor…

Nơi chúng tôi đến là thác Trắng, thuộc huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Dẫn vào thác là con đường bê tông dài khoảng 4 km, mới hoàn thành vào đầu năm 2005. Con đường được thiết kế dọc theo nơi cư trú của người H’re với những nhà sàn dài ẩn hiện đưới những tán cây rừng. Những ô ruộng bậc thang và ở dưới sâu kia là dòng nước róc rách chảy qua những gềnh đá tạo thành những âm thanh đặc trưng của núi rừng Trường Sơn.

Trên một khe núi cao, một dòng nước trắng xóa đổ từ trên độ cao khoảng 40 mét, có lẽ vì hình ảnh dữ dội này mà người dân ở đây đã dặt tên cho dòng thác này là thác Trắng. Nhiều thành viên không khỏi hứng thú và nhảy ào xuống để cho những dòng nước mát lạnh…mát sa cho thỏa thích. Dưới chân thác Trắng, thiên nhiên đã hình thành hai hồ tự nhiên rộng khoảng 100 m2 để dành cho những du khách ngâm mình trong dòng nước mát tìm cảm giác lạ.

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
Hạn chế du khách leo lên cổng tò vò ở đảo Lý Sơn
Chi tiền tỷ mua 4 ca nô phục vụ khách du lịch đảo Lý Sơn
Khám phá dãy núi cao nhất Quảng Ngãi
Đón bình minh ở Lý Sơn cùng cánh chim hải âu
Ngắm bình minh lên trên đảo Lý Sơn
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Thi xa Quang Ngai - Quảng NgãiHình ảnh Quãng Ngãi - Quảng NgãiHình ảnh Núi Ấn Sông Trà - Quảng NgãiHình ảnh Loc dau Dung Quat - Da Nang - Quảng NgãiHình ảnh Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi
Xem tất cả hình ảnh...